Glucosamine là gì? Mọi thứ bạn cần biết về Glucosamine

  • Cập nhật lần cuối: 20/08/2022

Glucosamine là một hoạt chất có sẵn trong cơ thể chúng ta và có thể bổ sung thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Glucosamine thường được sử dụng để điều trị rối loạn xương khớp, ngoài ra nó còn một số lợi ích đáng ngạc nhiên khác như ngăn ngừa lão hóa da.

 

Vậy Glucosamine là gì? Công dụng và tác dụng phụ của Glucosamine? Uống Glucosamine lâu dài có tốt không? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp chi tiết ở bài viết dưới đây.

 

glucosamine-la-gi-gymstore

 

GLUCOSAMINE LÀ GÌ?

 

Glucosamine là một loại đường amino được tìm thấy trong cơ thể con người. Glucosamine chủ yếu tham gia vào quá trình xây dựng các mô liên kết, sụn, khớp nối, dây chằng, tạo dịch bôi trơn để đảm bảo độ linh hoạt và sức mạnh của các khớp xương.

 

Ngoài ra Glucosamine còn được tìm thấy ở các động vật có vỏ (tôm, cua, sò,…), xương động vật và một số loại nấm. Trên thực tế, các thực phẩm bổ sung Glucosamine đang bày bán trên thị trường thường được chiết xuất từ những dạng tự nhiên này.

 

Glucosamine là một trong những chất bổ sung được ưa chuộng nhất thế giới. Một báo cáo cho thấy chỉ tính riêng tại Mỹ, đã có 6 triệu người thường xuyên bổ sung Glucosamine vào chế độ ăn hàng ngày.

 

cong-dung-cua-glucosamine

 

GLUCOSAMINE HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

 

Bí mật của Glucosamine nằm ở khả năng thúc đẩy cơ thể sản xuất các hợp chất cấu tạo nên sụn khớp như collagen, axit hyaluronic, keratan sulfate, chondroitin sulfate.

 

Quá trình tổng hợp collagen ở các mô sụn giúp làm chậm tốc độ thoái hóa, biến dạng khớp, kích thích tái cấu trúc, tăng tiết chất nhờn giúp các khớp được vận động linh hoạt, dễ dàng hơn.

 

Glucosamine cũng hoạt động như một chất chống viêm, chống oxy hóa khớp, đường ruột và mạch máu. Nhờ đó, nó có thể giúp phòng ngừa một số bệnh mãn tính.

 

Nếu là người thường xuyên tìm hiểu về chăm sóc da, chắc hẳn bạn đã nghe đến axit hyaluronic (HA) - một chất có khả năng dưỡng ẩm, bảo vệ và chống lão hóa da mạnh mẽ. Bởi vì Glucosamine có khả năng kích thích sản sinh axit hyaluronic nên nó còn được sử dụng lĩnh vực làm đẹp.

 

Bạn có thể đọc được ở đâu đó vô vàn những tác dụng tuyệt vời của Glucosamine. Các nhà khoa học cũng tỏ ra rất hào hứng về tiềm năng to lớn của hoạt chất này. Nhưng Glucosamine không phải thần dược. Có những tác dụng của nó cần nhiều thời gian hơn để kiểm chứng thêm.

 

TÁC DỤNG CHÍNH CỦA GLUCOSAMINE

 

1. Glucosamine giúp giảm viêm khớp gối

 

glucosamine-giup-giam-viem-khop-goi-gymstore

 

Hầu hết các nghiên cứu đã chứng minh tác dụng rõ rệt của Glucosamine trong việc hỗ trợ điều trị viêm khớp gối.

 

Theo đánh giá của 31 thử nghiệm lâm sàng, Glucosamine giúp cải thiện các triệu chứng của viêm khớp gối như: đau nhức, cứng khớp, sưng đỏ, khó vận động, tốt hơn so với giả dược.

 

3 nghiên cứu trên 1800 bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối cho thấy, Glucosamine khi sử dụng kết hợp với chondroitin (một hợp chất tương tự glucosamine) giúp giảm đau, cứng và sưng khớp. Sự kết hợp này mang lại hiệu quả tương đương với thuốc NSAID, Celecoxib và Ibuprofen.

 

=> Glucosamine giúp giảm đau nhẹ đến trung bình và có thể cải thiện chức năng khớp ở hầu hết các bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối.

 

2. Glucosamine giúp giảm viêm khớp thái dương hàm

 

Theo báo cáo của 2 thử nghiệm lâm sàng trên 105 bệnh nhân kéo dài trong 3 tháng, Glucosamine giúp giảm đau và cải thiện độ linh hoạt của khớp hàm tốt hơn so với Ibuprofen.

 

Tuy nhiên, 1 nghiên cứu khác kéo dài 6 tuần trên 59 bệnh nhân bị thoái hóa khớp hàm, việc sử dụng 1200mg Glucosamine/ngày không có hiệu quả rõ ràng. Do đó, công dụng này của Glucosamine cần được nghiên cứu kỹ càng hơn.

 

3. Glucosamine hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp

 

glucosamine-giup-giam-viem-thap-khop-gymstore

 

Không giống với viêm xương khớp, là tình trạng xảy ra khi sụn bị bào mòn, thoái hóa, tạo ma sát lớn giữa các khớp xương, gây đau đớn và khó vận động. Thì viêm khớp dạng thấp là một loại bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch vô tình tấn công các khớp, gây đau đớn không chỉ ở phần khớp mà còn có thể lan ra toàn bộ cơ thể.

 

Theo nhiều nghiên cứu, Glucosamine có thể giúp giảm cơn đau của viêm khớp dạng thấp. Ở 51 bệnh nhân sử dụng Glucosamine trong 3 tháng, các triệu chứng được cải thiện đáng kể.

 

Ở một số thí nghiệm trên những con chuột bị viêm thấp khớp, cả Glucosamine và N-acetyl-glucosamine (NAG) đều giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển và tăng cường chức năng khớp.

 

4. Glucosamine giúp bảo vệ và phục hồi xương khớp

 

Glucosamine-giup-phuc-hoi-xuong-khop-gymstore

 

Một trong những vai trò chính của Glucosamine là hỗ trợ sự phát triển của các mô giữa sụn và khớp. Ở tổ chức mô này có một chất lỏng bôi trơn được gọi là chất hoạt dịch, giúp giảm thiểu ma sát để xương khớp di chuyển dễ dàng, tự do.

 

Glucosamine giúp sản sinh một số hợp chất liên quan đến quá trình tạo ra sụn khớp và dịch khớp. Từ đó giúp bảo vệ và phục hồi xương khớp bằng cách ngăn chặn sự phá vỡ sụn.

 

Glucosamine được sử dụng phổ biến bởi các vận động viên thể dục thể thao - đối tượng dễ bị chấn thương xương khớp.

 

Trong 1 thử nghiệm kéo dài 4 tuần trên 106 vận động viên bị chấn thương đầu gối cấp tính, việc sử dụng 1500mg Glucosamine/ngày giúp cải thiện chức năng gối: giảm sưng đau, cải thiện độ linh hoạt.

 

1 nghiên cứu khác trên các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp cho thấy, sử dụng 1500 - 3000mg Glucosamine mỗi ngày, tối đa 4 tháng giúp ngăn chặn sự suy giảm collagen, từ đó tăng cường sức khỏe sụn khớp. Liều dùng thấp hơn (500 - 1000mg) trên 75 người khỏe mạnh cũng cho kết quả tương tự.

 

Một nghiên cứu trên 41 người thường xuyên đi xe đạp cho thấy bổ sung 3000mg Glucosamine/ngày giúp giảm thoái hóa collagen ở đầu gối xuống 27%, so với 8% ở nhóm giả dược.

 

=> Khi được sử dụng với liều lượng thích hợp, Glucosamine thúc đẩy tốc độ phục hồi sụn và xương khớp sau các chấn thương nhẹ đến trung bình.

 

5. Glucosamine giúp chống lão hóa da

 

Glucosamine tham gia vào quá trinh sản sinh axit hyaluronic, mô liên kết và một số thành phần cấu tạo nên da. Do đó nó còn được ứng dụng trong lĩnh vực làm đẹp:

 

- Dưỡng ẩm.

- Giảm nếp nhăn, tăng cường độ đàn hồi của da.  

- Ngăn chặn hình thành sắc tố melanin, giúp da sáng hơn.

 

Một nghiên cứu đã phân tích mẫu da của 8 phụ nữ dùng 250mg Glucosamine/ngày trong vòng 8 tuần cho thấy Glucosamine giúp trẻ hóa làn da bằng cách thúc đẩy hình thành collagen và axit hyaluronic.

 

MỘT SỐ TÁC DỤNG KHÁC CỦA GLUCOSAMINE

 

Những tác dụng dưới đây của Glucosamine mới chỉ được chứng minh trên động vật. Chưa có bằng chứng đầy đủ và hợp lệ cho thấy Glucosamine cũng mang lại hiệu quả tương tự trên cơ thể người, mà cần có thời gian kiểm chứng thêm.

 

1. Bệnh viêm ruột

 

Trong một thử nghiệm lâm sàng trên 38 bệnh nhân, việc sử dụng 3g Glucosamine/ngày trong vòng 3 tháng giúp giảm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự phát triển của trực khuẩn Clostridia gây tiêu chảy.

 

Một đánh giá đã chỉ ra tiềm năng cải thiện sức khỏe đường ruột của Glucosamine thông qua mối liên hệ cộng hưởng giữa hệ tiêu hóa và xương khớp. Nghĩa là, xương khớp chắc khỏe sẽ giúp đường ruột khỏe mạnh hơn.

 

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để đưa ra kết luận chính xác nhất về hiệu quả của Glucosamine trong việc điều trị bệnh viêm ruột.

 

2. Bệnh viêm bàng quang kẽ

 

Viêm bàng quang kẽ là tình trạng mãn tính gây áp lực lên bàng quang, đau bàng quang và có thể đau lan ra vùng chậu.

 

Bệnh này liên quan đến việc thiếu hụt glycosaminoglycan, mà Glucosamine là tiền chất của hợp chất trên. Nên Glucosamine được cho là một phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ.

 

Tuy nhiên hiện nay còn thiếu khá nhiều dữ liệu khoa học đáng tin cậy hỗ trợ nhận định này. Do đó, việc Glucosamine có thực sự giúp điều trị viêm bàng quang kẽ hay không vẫn là một dấu hỏi.

 

3. Bệnh ung thư

 

Trong một nghiên cứu với hơn 75.000 bệnh nhân, những người thường xuyên bổ sung Glucosamine và Chondroitin có tỷ lệ mắc ung thư phổi và ung thư ruột kết thấp hơn 2 lần.

 

Một nghiên cứu khác trên 2000 bệnh nhân cũng cho thấy tỷ lệ ung thư ruột kết thấp hơn đáng kể khi sử dụng Glucosamine và Chondroitin. Nhưng ngược lại, quan sát trên một nhóm 6000 bệnh nhân khác lại không cho kết quả nào đáng kể.

 

Thí nghiệm trên chuột cho thấy, Glucosamine ức chế sự phát triển của ung thư vú và ung thư phổi. Trong ống nghiệm, Glucosamine có khả năng tiêu diệt nhiều loại tế bào ung thư khác nhau. Nhưng điều này không khẳng định bất cứ điều gì về tác dụng chống ung thư tiềm ẩn của Glucosamine trong cơ thể người.

 

=> Mặc dù có một số nghiên cứu sơ bộ khá hứa hẹn, hiện nay vẫn chưa đủ bằng chứng lâm sàng đáng tin cậy để chứng minh tác dụng điều trị ung thư của Glucosamine.

 

TÁC DỤNG PHỤ CỦA GLUCOSAMINE

 

tac-dung-phu-cua-glucosamine

 

Rất nhiều nghiên cứu về Glucosamine đã được thực hiện và không cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào của hoạt chất này. Nhìn chung, Glucosamine an toàn với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, bạn có thể gặp một số vấn đề như:

 

- Buồn nôn

- Ợ nóng

- Chướng bụng

- Táo bón

- Tiêu chảy

- Đau đầu

- Buồn ngủ

 

Ngoài ra, Glucosamine còn gây ra một số tác dụng phụ với xác suất rất thấp dưới đây. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng nguồn bổ sung Glucosamine rẻ tiền, kém chất lượng hoặc do cơ địa quá nhạy cảm với Glucosamine.

 

1. Bệnh tiểu đường và tăng cân

 

Glucosamine có cấu trúc tương tự đường glucose nên có thể làm tăng mức đường huyết ở những bệnh nhân bị tiểu đường, gây cản trở quá trình điều trị.

 

Nếu đang mắc hoặc có tiền sử bệnh tiểu đường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và theo dõi chặt chẽ lượng đường huyết trong quá trình bổ sung Glucosamine.

 

Khi lượng đường trong máu và insulin được kiểm soát, Glucosamine sẽ không gây tăng cân và các vấn đề về chuyển hóa.

 

2. Bệnh tăng nhãn áp

 

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng Glucosamine sulfate giúp tăng cường sức khỏe thị lực thông qua việc giảm viêm và chống oxy hóa trong võng mạc.

 

Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng trên 88 bệnh nhân bị viêm khớp chỉ ra rằng: Glucosamine làm tăng nhãn áp, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi. Một nghiên cứu nhỏ trên 17 bệnh nhân cũng cho kết quả tương tự.

 

Nhìn chung dữ liệu về khía cạnh này của Glucosamine hiện vẫn còn nhiều tranh cãi.

 

3. Bệnh gan

 

Có một số báo cáo về việc sử dụng Glucosamine làm bệnh gan mãn tính trầm trọng thêm. Nhưng không có nghiên cứu lâm sàng nào xác nhận tác dụng phụ này.

 

Trong một vài trường hợp, tác động của Glucosamine lên gan có thể gây ra bởi việc dị ứng Glucosamine.

 

4. Dị ứng

 

Hầu hết các sản phẩm bổ sung Glucosamine hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật có vỏ như tôm, cua, sò,… Do đó nó có thể không an toàn với người bị dị ứng với những động vật này.

 

5. Tương tác thuốc

 

- Glucosamine khi sử dụng chung với thuốc chống đông máu sẽ kéo dài thời gian chảy máu và tăng nguy cơ bầm tím.

 

- Glucosamine làm giảm hiệu quả của các loại thuốc giảm đau hạ sốt (Paracetamol), thuốc trợ tim, thuốc điều trị tăng lipid máu statin.

 

- Ngưng bổ sung Glucosamine trước phẫu thuật 2 tuần.

 

6. Ai không nên sử dụng Glucosamine?

 

- Người bị tiểu đường, đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp.

- Người dị ứng với hải sản và động vật có vỏ (tôm, cua, sò,…).

- Người bị hen suyễn.

- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi không nên bổ sung Glucosamine do chưa có đầy đủ dữ liệu về độ an toàn.

 

Việc bổ sung Glucosamine không được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận sử dụng trong y tế. Nói chung, các cơ quan quản lý không đảm bảo chất lượng, độ an toàn và hiệu lực của các loại thực phẩm bổ sung. Do đó bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định sử dụng Glucosamine.

 

CÁC DẠNG BỔ SUNG VÀ LIỀU LƯỢNG SỬ DỤNG GLUCOSAMINE

 

1. Có mấy loại Glucosamine? Glucosamine nào tốt nhất?

 

glucosamine-sulfate-vs-glucosamine-hcl-gymstore

 

Glucosamine sulfateGlucosamine hydrochloride (Glucosamine HCl) là 2 dạng bổ sung phổ biến nhất của Glucosamine, chủ yếu đến từ nguồn tự nhiên là động vật có vỏ (tôm, cua, sò,…) hoặc sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

 

Ngoài ra còn loại Glucosamine có nguồn gốc từ nấm hoặc ngô lên men, dành cho những người dị ứng với hải sản và người ăn chay.

 

Glucosamine thường được bào chế dưới dạng viên, bột, lỏng và kem bôi.

 

Lưu ý: Một số sản phẩm có chứa N-acetyl-glucosamine (NAG). Mặc dù là dẫn xuất của Glucosamine nhưng NAG có hiệu quả và tác dụng phụ riêng biệt, liều dùng cũng khác với Glucosamine.

 

Glucosamine sulfate và Glucosamine HCl dạng nào tốt hơn?

 

Một nghiên cứu trên 600 bệnh nhân bị viêm khớp gối cho thấy hiệu quả của Glucosamine sulfate cao hơn Glucosamine HCl.

 

Nhiều thử nghiệm khác cũng cho kết quả tương tự. Bên cạnh đó, Glucosamine sulfate còn trội hơn về khả năng hấp thụ.

 

Một số nhà bán lẻ tuyên bố Glucosamine dạng lỏng hấp thụ nhanh hơn dạng viên, tuy nhiên chưa có nghiên cứu lâm sàng nào xác nhận điều này.

 

Trong các sản phẩm bổ sung Glucosamine thường xuất hiện thêm thành phần chondroitin và MSM, được cho là giúp tăng hiệu quả giảm đau, bảo vệ và phục hồi sụn khớp của Glucosamine. Nhưng hiện tại mới chỉ có một số nghiên cứu chứng minh điều trên. Cần thêm nhiều bằng chứng đáng tin cậy hơn nữa.

 

=> Glucosamine sulfate là dạng tốt nhất. Chondroitin và MSM có thể làm tăng hiệu quả của Glucosamine, nhưng vẫn cần thời gian xác thực thêm.

 

2. Liều lượng sử dụng Glucosamine

 

Trong các thí nghiệm lâm sàng, sử dụng Glucosamine với liều lượng dưới đây cho ra kết quả khả quan, nhưng vẫn có thể không hiệu quả với tình trạng sức khỏe của bạn, do cơ địa và các yếu tố khách quan. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra liều lượng Glucosamine tối ưu nhất cho riêng bạn.

 

- Viêm xương khớp và viêm thấp khớp: 1500mg/ngày, 3 tháng trở lên.

- Tái tạo, bảo vệ sụn khớp: 1500 -3000mg/ngày với vận động viên, 1000mg/ngày với người bình thường, trong 4 tháng.

- Chấn thương khớp gối: 1500mg/ngày, trong 1 tháng.

- Bệnh gout (gút): 3000mg/ngày, trong 3 tháng.

 

3. Uống Glucosamine lâu dài có tốt không?

 

Nhìn chung, việc sử dụng Glucosamine lâu dài theo đúng chỉ định không gây hại cho sức khỏe, không ảnh hưởng đến gan, thận, dạ dày. Ngược lại, bạn cần phải bổ sung Glucosamine đều đặn trong thời gian dài (ít nhất 1 tháng) thì mới thấy được công dụng của nó.

 

Glucosamine an toàn với hầu hết mọi người. Những người bị viêm xương khớp có thể sử dụng Glucosamine hàng ngày để cải thiện các triệu chứng của bệnh.

 

Những người muốn phòng tránh các bệnh về xương khớp cũng có thể bổ sung Glucosamine mỗi ngày để bảo vệ sụn, tăng tiết dịch bôi trơn, từ đó cải thiện sức khỏe và độ linh hoạt của xương khớp.

 

Glucosamine không phải thuốc kháng viêm giảm đau nên tác dụng giảm đau của nó không thể diễn ra ngay lập tức, mà cần có thời gian tích lũy dần. Thông thường, thời gian sử dụng Glucosamine nên kéo dài từ 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, nếu sau 6 tháng mà bệnh tình vẫn không tiến triển, bạn nên gặp bác sĩ để đổi sang phương pháp điều trị khác.

 

TỔNG KẾT

 

Glucosamine tham gia vào quá trình xây dựng các mô liên kết, sụn, khớp nối, dây chằng và cấu trúc da. Khi tuổi tác càng cao, lượng Glucosamine sụt giảm sẽ dẫn đến các bệnh về xương khớp và lão hóa da. Glucosamine trong tự nhiên thường được tìm thấy ở các động vật có vỏ, xương, da và sụn động vật.

 

Glucosamine là chất bổ sung được sử dụng phổ biến nhất để hỗ trợ sức khỏe xương khớp. Glucosamine có thể giảm cơn đau và cải thiện chức năng vận động khớp ở những người bị viêm xương khớp từ nhẹ đến trung bình.

 

Glucosamine còn hỗ trợ điều trị viêm thấp khớp và viêm ruột, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ càng hơn. Mỹ phẩm chứa Glucosamine giúp cải thiện những đốm đen trên da, đồng thời cấp ẩm, trẻ hóa làn da.

 

Glucosamine sulfate với liều lượng 1500mg/ngày được chứng minh là có hiệu quả cao nhất. 2 hoạt chất Chondroitin và MSM có thể gia tăng hiệu lực của Glucosamine, nhưng bằng chứng vẫn còn hạn chế.

 

Không bổ sung Glucosamine nếu bạn đang mang thai, cho con bú, dị ứng với hải sản/động vật có vỏ, đang mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, tăng nhãn áp, đang sử dụng thuốc chống đông máu.

 

Bài viết liên quan Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm Có thể bạn quan tâm
x