Biotin là chất bổ sung rất phổ biến trên thị trường, đặc biệt với những người gặp vấn đề về rụng tóc, tóc mỏng. Tuy nhiên, bạn đã biết hết những tác dụng phụ tiềm ẩn của biotin chưa?
BIOTIN LÀ GÌ? BIOTIN CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Biotin, hay còn gọi là vitamin H, vitamin B7, là một loại vitamin thuộc nhóm B và tan trong nước. Cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh biotin nên bạn cần bổ sung vi chất này thông qua thực phẩm bên ngoài.
Những vai trò chính của biotin bao gồm:
- Tham gia chuyển hóa thức ăn (gồm tinh bột, chất béo, protein) thành năng lượng.
- Cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh và não bộ.
- Hỗ trợ kiểm soát mức đường huyết.
- Cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh.
- Đặc biệt, biotin được biết đến rộng rãi với khả năng giảm rụng tóc, đồng thời cải thiện sức khỏe của da và móng.
Biotin được tìm thấy trong nhiều thực phẩm khác nhau nên tình trạng thiếu hụt biotin hiếm khi xảy ra với người có sức khỏe bình thường và chế độ ăn uống cân bằng.
Biotin có nhiều nhất trong gan động vật, lòng đỏ trứng, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt khô,…
Trung bình một người trưởng thành cần khoảng 30mcg biotin mỗi ngày. Tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể, bác sĩ có thể kê liều cao hơn. Với những người bị rụng tóc, hàm lượng tiêu thụ biotin hàng ngày có thể dao động từ 2000 - 10.000mcg và thậm chí là hơn.
Tham khảo: Biotin có giúp mọc tóc như lời đồn? Sự thật bất ngờ
8 TÁC DỤNG PHỤ CỦA BIOTIN CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Biotin là chất bổ sung rất an toàn cho cơ thể. Cho dù bạn nạp quá liều lượng khuyến cáo thì lượng biotin dư thừa sẽ được đào thải dễ dàng qua hệ bài tiết. Hiện tại vẫn chưa ghi nhận triệu chứng độc tính nào liên quan đến việc dư thừa biotin.
Tuy nhiên, một số người vẫn có thể gặp phải những tác dụng phụ của biotin ở mức độ nhẹ. Những tác dụng phụ đó là:
Rối loạn tiêu hóa
Uống biotin có thể khiến bạn bị khó chịu dạ dày, buồn nôn hoặc tiêu chảy nhẹ. Nếu gặp tình trạng này, hãy ngưng bổ sung biotin và tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên bổ sung biotin từ thực phẩm tự nhiên thay vì viên uống.
Nổi mụn trứng cá
Bổ sung đủ biotin có thể giúp giảm tình trạng mụn viêm, mụn trứng cá và cấp ẩm cho làn da. Tuy nhiên, theo một số báo cáo, uống quá nhiều biotin sẽ cản trở sự hấp thu một số chất dinh dưỡng ngăn ngừa mụn phát triển như kẽm, vitamin A, từ đó gây phản tác dụng khiến da bị nổi mụn.
Ngoài ra, biotin là một vitamin tan trong nước. Nếu bạn không uống đủ nước để biotin được hòa tan cho cơ thể dễ hấp thụ, nó sẽ tích tụ lại và gây mụn.
Phát ban, ngứa ngáy da
Biotin đã được chứng minh là giúp cải thiện kết cấu và tình trạng da. Tuy nhiên, một số người có thể gặp tác dụng phụ như phát ban, ngứa ngáy da sau khi uống.
Điều này rất hiếm xảy ra. Nó có thể là do biotin chất lượng kém, quá trình điều chế không tinh khiết, lẫn nhiều tạp chất hoặc do một thành phần khác trong chất bổ sung biotin mà bạn sử dụng.
Khó ngủ
Biotin tham gia chuyển hóa carb, protein và chất béo thành năng lượng, nên việc tiêu thụ quá nhiều biotin vào buổi tối có thể làm tăng mức năng lượng trong cơ thể và khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.
Gây chẩn đoán bệnh thiếu chính xác
Việc uống biotin trước khi thực hiện một số xét nghiệm có thể khiến kết quả bị sai lệch, đặc biệt là xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
Một nghiên cứu trên tạp chí Cureus cho biết trong một cuộc kiểm tra định kỳ, 4 bệnh nhân đã bị chẩn đoán nhầm là mắc bệnh cường giáp. 4 người này trước đó đã bổ sung 20 - 30mg biotin. Sau khi ngừng uống biotin 24 - 48 giờ và kiểm tra lại, không ai trong số họ bị mắc cường giáp.
Gây áp lực lên thận
Như đã nói ở trên, biotin tan trong nước và được bài tiết qua thận và nước tiểu. Những người đang gặp các vấn đề về thận như suy thận, chạy thận nhân tạo, nếu bổ sung quá nhiều biotin sẽ gây thêm áp lực lên thận đồng thời lượng biotin dư thừa cũng không thể đào thải hết khỏi cơ thể.
Hay khát nước
Biotin tham gia kiểm soát lượng đường trong máu. Dư thừa biotin có thể làm tăng chuyển hóa glucose dẫn đến tăng đường huyết. Khi lượng đường trong máu quá cao, bạn sẽ cảm thấy khát nước thường xuyên.
Tương tác với một số loại thuốc
Giống như các vitamin nhóm B khác, biotin có thể phản ứng với một số loại thuốc, làm giảm hiệu quả thuốc hoặc tăng tác dụng phụ.
Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng các loại thuốc tương tác với biotin dưới đây:
• Haloperidol (điều trị rối loạn tâm thần)
• Fluvoxamine (điều trị trầm cảm)
• Clozapine (thuốc chống loạn thần)
• Cyclobenzaprine (thuốc giãn cơ)
• Imipramine (thuốc chống trầm cảm)
• Olanzapine (điều trị tâm thần phân liệt)
KẾT LUẬN:
Trên đây là 8 tác dụng phụ của biotin bạn có thể gặp phải trong quá trình sử dụng. Nhưng nhìn chung, rất ít người gặp tác dụng phụ khi uống biotin bởi nó tương đối an toàn và dễ đào thải ra khỏi cơ thể khi uống quá liều. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tuân thủ liều lượng được nhà sản xuất hoặc bác sĩ hướng dẫn để đảm bảo sức khỏe.
Tham khảo: Viên uống Natrol Biotin 10.000mcg hỗ trợ mọc tóc
Tags:
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
Chưa có bài viết nào trong danh mục này...