Probiotic là những vi khuẩn có lợi đóng vai trò rất quan trọng với hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Ngày càng có nhiều người tìm đến các sản phẩm bổ sung Probiotic để tăng cường sức khỏe và cải thiện các vấn để về đường ruột. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu:
- Lợi khuẩn Probiotic là gì?
- Cơ chế hoạt động của Probiotic
- Probiotic có những lợi ích gì?
- Probiotic có tác dụng phụ không?
- Cách uống Probiotic đúng nhất
PROBIOTIC LÀ GÌ?
Probiotic, hay còn gọi là men vi sinh, là những vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) nằm chủ yếu bên trong đại tràng (ruột già) của bạn. Khi nhắc tới vi khuẩn, nhiều người thường liên hệ đến những tác nhân gây hại, nhưng trên thực tế có cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi tồn tại cùng lúc trong cơ thể bạn.
Probiotic khi đạt đủ số lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, điển hình là hỗ trợ hệ tiêu hóa và gia tăng sức đề kháng. Ở trạng thái cân bằng, hệ vi sinh vật đường ruột của bạn sẽ có 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Tuy nhiên, trạng thái cân bằng này có thể bị phá vỡ bởi các nguyên nhân như: ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh, ăn thực phẩm lạ, sử dụng kháng sinh, căng thẳng lo âu kéo dài, thường xuyên thức khuya, mắc bệnh tiêu hóa,…
Lúc này bạn có thể nạp thêm Probiotic thông qua các chất bổ sung (thường ở dạng viên, bột hoặc dung dịch), chúng được tạo ra bằng cách nuôi cấy men vi sinh trong phòng thí nghiệm. Hoặc bạn cũng có thể ăn các thực phẩm đã trải qua quá trình lên men như: sữa chua, dưa muối, kimchi, natto (đậu tương lên men),…
NHỮNG LOẠI PROBIOTIC PHỔ BIẾN NHẤT
Hệ vi sinh vật đường ruột của mỗi người là khác nhau, vậy nên các nhà khoa học luôn nỗ lực tìm kiếm và tạo ra thêm nhiều loại Probiotic mới để phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu sử dụng. Trong đó phổ biến nhất là những loại dưới đây:
- Lactobacillus và Bifidobacterium: đây là nhóm lợi khuẩn xuất hiện nhiều nhất trong sữa chua, các chế phẩm từ sữa và một số món ăn lên men khác. Tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy, dị ứng lactose và cả những người thường xuyên lo âu, căng thẳng.
- Saccharomyces boulardii: đây không phải là vi khuẩn mà thực chất là một loại nấm men. Nghiên cứu cho thấy nó giúp giảm thiểu tác hại của thuốc kháng sinh đối với đường ruột, ức chế một số vi khuẩn gây hại như Clostridium difficile (gây tiêu chảy, viêm ruột), Helicobacter pylori (gây viêm loét dạ dày tá tràng).
- Một số loại khác: Streptococcus, Enterococcus, Escherichia, Bacillus.
Mỗi loại Probiotic sẽ có tính chất khác nhau và mang lại những lợi ích riêng biệt cho từng tình trạng sức khỏe. Do đó khi mua các chất bổ sung Probiotic, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần để lựa chọn được loại men vi sinh phù hợp nhất.
Hiện nay, các nhà sản xuất thường kết hợp đa dạng các loại Probiotic trong cùng một sản phẩm để có thể giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề về đường ruột, cũng như giúp khách hàng không phải quá đau đầu trong việc lựa chọn.
CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA PROBIOTIC
Chức năng chính của Probiotic đó là duy trì sự cân bằng lành mạnh trong đường ruột. Còn đường ruột là nơi quyết định tới 70% hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Probiotic làm điều này bằng cách:
- Tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Tổng hợp và chuyển hóa vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.
- Ức chế số lượng và hoạt động của vi khuẩn có hại để chúng không gây bệnh cho cơ thể.
- Ngăn chặn độc tố từ các vi khuẩn có hại bằng cách cải thiện sức khỏe của hàng rào niêm mạc ruột để chống lại nhiễm trùng.
- Tăng cường hệ miễn dịch đường ruột nói riêng và cả cơ thể nói chung.
Khi cơ thể khỏe mạnh bình thường, bạn không cần bổ sung Probiotic bởi chế độ ăn thông thường đã có thể cung cấp đủ số lượng lợi khuẩn cần thiết để duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, khi sự cân bằng bị phá vỡ (do những nguyên nhân đã đề cập ở trên) và số lượng hại khuẩn tăng lên, việc bổ sung Probiotic sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn mà bài viết sẽ đề cập ngay sau đây.
10 TÁC DỤNG NỔI BẬT CỦA PROBIOTIC
Probiotic ức chế số lượng và hoạt động của hại khuẩn
Probiotic giúp ức chế số lượng và hoạt động các vi khuẩn có hại bằng cách cạnh tranh chỗ bám và nguồn thức ăn, đồng thời tạo ra axit lactic khiến cho hại khuẩn khó sinh sôi phát triển. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, số lượng lợi khuẩn phải áp đảo số lượng hại khuẩn, thường dao động từ 85 - 90%.
Nhờ đó, Probiotic giúp tạo ra sự cân bằng cho hệ vi sinh đường ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, đồng thời hạn chế tình trạng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu và các rối loạn tiêu hóa khác.
Probiotic kích thích tiêu hóa và hấp thu
Probiotic là nhân tố không thể thiếu trong quá trình tiêu hóa của cơ thể. Nó tham gia tổng hợp và chuyển hóa vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác từ thức ăn thành axit lactic, acetic, butyric, axit amin, enzyme, sinh ra các khí NH3, CO2, H2S.
Quá trình chuyển hóa này giúp nhu động ruột hoạt động khỏe mạnh, trơn tru và tạo ra môi trường axit nhẹ, tăng cường hấp thu dinh dưỡng, kích thích miễn dịch cục bộ và miễn dịch ngoại biên.
Hệ tiêu hóa hoạt động kém là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người gặp phải tình trạng ăn 10 nhưng chỉ hấp thu được 2, 3. Bổ sung Probiotic là giải pháp hiệu quả giúp giải quyết vấn đề này.
Đồng thời, Probiotic còn kích thích hoạt động của các enzyme tiêu hóa, giúp tạo ra cảm giác ngon miệng hơn khi ăn.
Probiotic giúp củng cố hàng rào niêm mạc ruột
Các lợi khuẩn Probiotic bám lấy thành ruột và tiết ra các chất hóa học, tạo nên một lớp nhầy bao quanh. Lớp màng sinh học này giúp bảo vệ đường ruột trước sự xâm nhập của các vi khuẩn gây hại và độc tố do chúng tiết ra.
Đồng thời, nó cũng ngăn chặn hại khuẩn trong đường ruột lan ra những cơ quan khác như gan, thận.
Probiotic giúp giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh
Các bác sĩ khuyến khích những người phải sử dụng thuốc kháng sinh với liều cao hoặc trong thời gian dài nên bổ sung Probiotic để hạn chế tác dụng phụ của kháng sinh đối với hệ tiêu hóa.
Thuốc kháng sinh khi đi vào cơ thể sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong đường ruột. Nhưng đồng thời nó sẽ vô tình tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và các rối loạn tiêu hóa, phổ biến nhất là: tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon.
Bổ sung Probiotic có thể giúp bù đắp lại những lợi khuẩn đã bị kháng sinh tiêu diệt, hạn chế tác dụng phụ do thuốc gây ra cho đường ruột nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.
Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý thời gian uống kháng sinh và Probiotic phải cách nhau ít nhất 2h để tránh việc Probiotic mới bổ sung đã bị tiêu diệt bởi kháng sinh.
Probiotic giúp giảm táo bón
Các nghiên cứu cho thấy bổ sung men vi sinh Probiotic hoặc ăn các thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn với số lượng khoảng 5 - 10 tỷ lợi khuẩn/ngày, bao gồm các chủng Lactobacillus acidophilus và Bifidobacterium, có thể giúp hạn chế tình trạng táo bón.
Probiotic giúp giảm táo bón bằng cách khiến phân mềm hơn, đồng thời tăng độ nhớt cho khuôn phân. Nhờ đó khi nhu động ruột co bóp, phân dễ bị đẩy ra ngoài hơn. Ngoài ra, Probiotic có thể giúp kiểm soát thời gian vận chuyển các chất rắn trong đường ruột và làm tăng tần suất đi tiêu.
Probiotic giúp giảm hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp có liên quan đến đại tràng (ruột già). Nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung Probiotic giúp giảm các triệu chứng của hội chứng này như co thắt, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón
Các nghiên cứu cho thấy những sản phẩm bổ sung Probiotic đa chủng có thể mang lại những cải thiện đáng kể cho hội chứng ruột kích thích, đặc biệt khi dùng trong thời gian dài hơn 8 tuần.
Probiotic giúp giảm viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, nấm men, ký sinh trùng,… Triệu chứng bệnh thường gặp bao gồm đau bụng, co thắt bụng, tiêu chảy/táo bón, chảy máu hoặc tiết dịch từ đại tràng, thiếu máu, mệt mỏi.
Viêm đại tràng có thể tái đi tái lại nhiều lần và rất khó để điều trị dứt điểm. Cách hiệu quả nhất để hạn chế tái phát bệnh đó là thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
Ngoài ra, việc bổ sung men vi sinh Probiotic cũng được đánh giá cao trong việc hỗ trợ điều trị viêm đại tràng cấp và mãn tính. Lý do là bởi Probiotic có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này.
Cụ thể, Probiotic giúp tăng cường số lượng vi khuẩn có lợi trong đại tràng, ức chế số lượng và hoạt động của vi khuẩn có hại cũng như các tác nhân gây viêm khác. Những hóa chất mà lợi khuẩn tiết ra khi bám trên niêm mạc cũng giúp vết viêm loét mau lành hơn.
Một số bằng chứng cho thấy Probiotic có hiệu quả tương đương với một số loại thuốc điều trị viêm loét đại tràng thông dụng, ví dụ như thuốc mesalazine. Một nghiên cứu năm 2004 tại Đức đã theo dõi 327 người có tiền sử bị viêm đại tràng mãn tính. Những người này được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 sử dụng mesalazine, nhóm 2 sử dụng Probiotic chủng Escherichia Coli Nissle 1917. Sau 1 năm, kết quả cho thấy thời gian không tái phát bệnh và mức độ thuyên giảm bệnh ở cả 2 nhóm là như nhau.
Nói tóm lại, đối với những người bị viêm loét đại tràng, bổ sung Probiotic mang lại những lợi ích dưới đây:
- Hạn chế tái phát bệnh
- Giảm các triệu chứng khi bệnh tái phát
- Ít tác dụng phụ
- Chi phí rẻ hơn các loại thuốc điều trị viêm đại tràng thông thường
- An toàn hơn khi sử dụng trong thời gian dài
Probiotic giúp làm đẹp da
Trong những năm gần đây, xu hướng làm đẹp da với Probiotic đang ngày càng được nhiều người biết đến và áp dụng. Cơ thể chúng ta có khoảng hơn 1000 loại vi khuẩn (cả lợi và hại), phần lớn cư trú trong ruột và da. Các nghiên cứu cho thấy sự thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột có thể tạo ra những tác động trực tiếp đến làn da.
Ví dụ, việc bổ sung Probiotic có thể hạn chế tình trạng mụn trứng cá và viêm da, do Probiotic có đặc tính chống viêm.
Không chỉ có trong các chất bổ sung, Probiotic cũng xuất hiện trong một số loại mỹ phẩm. Khi thoa lên da, Probiotic sẽ hạn chế sự sinh trưởng của những vi sinh vật có hại, giúp cân bằng hệ vi sinh trên làn da - bản chất là hàng rào sinh học của da. Hàng rào sinh học khỏe mạnh là yếu tố quan trọng để có một làn da đẹp và khỏe mạnh.
Những lợi ích Probiotic mang lại cho làn da:
- Giảm mẩn đỏ, kích ứng da, làm dịu da
- Cấp ẩm cho da
- Giúp da trắng sáng, hồng hào hơn
- Chống viêm, kháng khuẩn, giảm nguy cơ mắc bệnh chàm, vảy nến, mụn trứng cá.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng tiêu thụ Probiotic mang lại lợi ích cho cả hệ tiêu hóa và làn da. Nhưng Probiotic dùng ngoài da thì không thể mang lại tác dụng cho hệ tiêu hóa. Các chuyên gia khuyên bạn nên kết hợp sử dụng Probiotic cả đường uống và đường bôi để mang lại hiệu quả cao nhất cho làn da.
Probiotic hỗ trợ điều trị trầm cảm
Ruột hoạt động như “bộ não thứ 2” của cơ thể với khoảng 200 - 600 triệu tế bào thần kinh phân bổ khắp hệ tiêu hóa. Người ta đã tìm ra mối liên hệ mật thiết 2 chiều giữa hệ thần kinh ruột và hệ thần kinh trung ương, được gọi là trục Não - Ruột. Một số biểu hiện thường thấy như:
- Những người bị lo âu, căng thẳng dài ngày, trầm cảm, tự kỷ thường gặp các vấn đề về cảm giác thèm ăn, rối loạn ăn uống, đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón,…
- Tiếp nhận thông tin chấn động đến mức khiến bạn cảm thấy buồn nôn.
- Những người bị hội chứng ruột kích thích lâu ngày gây ảnh hưởng lớn đến tâm trạng. Đó là lý do tại sao hội chứng này xảy ra ở nữ giới nhiều gấp đôi so với nam giới.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở những người bị trầm cảm và trẻ em tự kỷ, hệ vi sinh vật đường ruột ít đa dạng và thiếu cân bằng hơn những người bình thường.
Nói tóm lại, sức khỏe hệ tiêu hóa ảnh hưởng rất lớn đến chức năng thần kinh. Bởi vì Probiotic cung cấp vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, người ta tin rằng Probiotic cũng có thể cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, căng thẳng và các triệu chứng của bệnh trầm cảm, tự kỷ, Alzheimer và Parkinson.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “The Journal of Neurogastroenterology and Motility” đã cho những người tham gia sử dụng lợi khuẩn Bifidobacterium và Lactobacillus trong thời gian 2 - 4 tuần. Kết quả cho thấy 2 chủng lợi khuẩn Probiotic này đã giúp cải thiện các rối loạn tâm thần, bao gồm: lo âu, trầm cảm, rối loạn phổ tự kỷ, ám ảnh cưỡng chế và cả khả năng ghi nhớ.
Probiotic hỗ trợ giảm cân
Người ta đã phát hiện ra rằng hệ vi khuẩn đường ruột ở những người béo phì thường kém đa dạng hơn những người có cân nặng vừa phải.
Các nghiên cứu cho thấy một số chủng lợi khuẩn Probiotic có thể hỗ trợ giảm cân bằng cách:
- Giải phóng các hormone giảm cảm giác thèm ăn như glucagon peptide-1 (GLP-1) và peptide YY (PYY).
- Ức chế sự hấp thụ chất béo từ thức ăn và tăng lượng chất béo bài tiết qua phân.
- Giảm viêm - một trong những nguyên nhân gây béo phì.
Lợi ích này biểu hiện rõ ràng ở nữ giới hơn nam giới.
Trong số các lợi khuẩn được nghiên cứu cho đến nay, Lactobacillus gasseri cho thấy nhiều hứa hẹn nhất trong việc giảm cân và giảm mỡ.
Một nghiên cứu trên 210 người bị béo phì cho thấy sử dụng Lactobacillus gasseri trong 12 tuần đã giảm 8.5% lượng mỡ bụng, đồng thời cải thiện chỉ số BMI và số đo eo, hông.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy ăn sữa chua có chứa lợi khuẩn Lactobacillus fermentum hoặc Lactobacillus amylovorus giúp giảm 3 - 4% lượng mỡ cơ thể sau 6 tuần.
Ngoài ra, lợi khuẩn Bifidobacterium animalis subsp.lactis cũng có ích cho việc giảm mỡ, giảm cân.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không phải chủng lợi khuẩn Probiotic cũng giúp giảm cân, và không phải ai cũng nhận được tác dụng giảm cân từ Probiotic. Một số người cảm thấy thèm ăn và hấp thụ tốt hơn sau khi bổ sung men vi sinh, do đó cân nặng của họ tăng lên.
TÁC DỤNG PHỤ CỦA PROBIOTIC
Các nghiên cứu cho thấy Probiotic rất an toàn với hầu hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, trong vài ngày đầu sử dụng, một số người có thể gặp những tác dụng phụ liên quan đến tiêu hóa như: chướng bụng, đầy hơi, khó chịu dạ dày hoặc các phản ứng dị ứng. Những tác dụng phụ này thường chỉ diễn ra trong vài ngày và ở mức độ nhẹ.
Ai không nên bổ sung Probiotic?
- Người bị ốm nặng
- Người bị HIV/AIDS
- Người mới phẫu thuật
Những đối tượng trên có hệ thống miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng, do đó việc bổ sung Probiotic có thể dẫn đến nhiễm trùng.
CÁCH BỔ SUNG PROBIOTIC HIỆU QUẢ
Probiotic có trong thực phẩm nào?
Bạn có thể bổ sung lợi khuẩn Probiotic thông qua những thực phẩm sau:
- Sữa chua, bơ, phô mai
- Bắp cải muối (dưa muối)
- Dưa chuột muối
- Kimchi
- Natto
- Súp Miso
- Trà Kombucha
- Các sản phẩm men vi sinh dạng viên, bột, dung dịch.
Nên uống Probiotic lúc nào?
Một số nhà sản xuất khuyên bạn nên uống Probiotic lúc bụng đói hoặc trước các bữa ăn. Một số thì cho rằng uống lúc đói hoặc ngay trong bữa ăn đều được.
Mặc dù rất khó để đo lường khả năng sống sót của Probiotic trong cơ thể, nhưng một số nghiên cứu cho thấy các lợi khuẩn chủng Lactobacillus và Bifidobacterium (có nhiều trong sữa chua và các món ăn lên men) tồn tại tốt nhất khi được bổ sung trước bữa ăn 30 phút.
Còn nấm men Saccharomyces boulardii (có rất ít trong thực phẩm tự nhiên mà chủ yếu được nuôi cấy nhân tạo) tồn tại với số lượng như nhau khi bổ sung lúc đói hoặc trong lúc ăn.
(Đây là 3 loại Probiotic được sử dụng phổ biến nhất hiện nay)
Nói tóm lại, bạn có thể uống Probiotic trước, trong hoặc sau bữa ăn đều được. Hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nên uống Probiotic như thế nào?
- Bạn phải sử dụng đều đặn và liên tục Probiotic trong ít nhất 7 ngày thì sản phẩm mới có đủ thời gian phát huy công dụng và thiết lập hệ vi sinh vật mới trong đường ruột.
- Men vi sinh Probiotic được khuyến khích sử dụng hàng ngày trong thời gian dài. Hãy cố gắng uống ít nhất 5 ngày/tuần.
- Không được uống Probiotic với nước nóng hoặc đồ ăn nóng bởi nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt hết lợi khuẩn.
- Sử dụng chung Probiotic với với bột yến mạch, sữa ít béo, sữa chua hoặc phô mai giúp tăng khả năng sống sót của chúng hơn, so với việc uống cùng nước lọc hoặc nước ép trái cây.
- Nếu đang sử dụng thuốc kháng sinh, bạn phải uống Probiotic cách xa ít nhất 2h bởi kháng sinh có thể tiêu diệt cả lợi khuẩn.
- Pha Probiotic xong nên uống ngay, để lâu sẽ khiến vi sinh vật bị chết và mất tác dụng.
- Bảo quản các chất bổ sung Probiotic ở nơi khô ráo, thoáng mát, tốt nhất là trong tủ lạnh. Nhiệt độ cao rất dễ làm mất tác dụng sản phẩm.
Cách lựa chọn sản phẩm Probiotic chất lượng
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm bổ sung men vi sinh Probiotic đến từ các thương hiệu khác nhau, khiến nhiều khách hàng băn khoăn không biết Probiotic nào mới là tốt. Dưới đây, Gymstore xin gợi ý đến bạn một số tiêu chí để lựa chọn được sản phẩm chất lượng và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
1. Bạn có thể bổ sung Probiotic dưới nhiều dạng khác nhau như: viên nén, viên nang, viên ngậm, bột, cốm, dung dịch hoặc các thực phẩm lên men. Probiotic trong viên nang, viên nén và sữa chua có khả năng tồn tại trong dạ dày tốt hơn so với dạng bột, dung dịch và các thức ăn khác.
2. Lựa chọn sản phẩm thuộc những thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ví dụ như: Now Foods, Nature’s Bounty là những thương hiệu rất lớn và lâu đời đến từ Mỹ, chuyên sản xuất các thực phẩm bổ sung bảo vệ sức khỏe trong đó có Probiotic.
3. Nghiên cứu cho thấy bạn phải bổ sung ít nhất 1 tỷ lợi khuẩn thì chúng mới có thể đem lại những tác động tích cực đến đường ruột và sức khỏe. Đơn vị tính số lượng lợi khuẩn là CFU. Do đó, bạn hãy lựa chọn những sản phẩm chứa ít nhất 1 tỷ CFU.
Ví dụ: viên uống Now Foods Probiotic cung cấp cho bạn tới 50 tỷ CFU.
4. Hầu hết các sản phẩm bổ sung Probiotic hiện nay thường kết hợp nhiều chủng lợi khuẩn với nhau để có thể cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe cùng lúc.
Bạn nên lựa chọn sản phẩm có chứa các chủng lợi khuẩn thuộc họ Lactobacillus và Bifidobacterium bởi chúng có lợi cho hầu hết đối tượng sử dụng.
- Lactobacillus rhamnosus GG và Saccharomyces boulardii: giảm tình trạng tiêu chảy khi uống kháng sinh
- E.coli Nissle 1917: hỗ trợ điều trị viêm loét đại tràng.
- Lactobacillus, Bifidobacterium và Saccharomyces boulardii: giảm hội chứng lích thích đường ruột.
Ví dụ: viên uống Now Foods Probiotic chứa 10 chủng lợi khuẩn khác nhau.
5. Đừng nhầm lẫn men vi sinh Probiotic với men tiêu hóa. Men vi sinh cung cấp những vi khuẩn có lợi còn men tiêu hóa cung cấp men do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra để tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
Probiotic có thể uống hàng ngày trong thời gian dài nhưng men tiêu hóa thì không. Lạm dụng men tiêu hóa sẽ gây phản tác dụng, ức chế các tuyến trong cơ thể và giảm tiết men tiêu hóa nội sinh.
KẾT LUẬN:
Probiotic là những lợi khuẩn đóng vai trò rất quan trọng với cơ thể. Bổ sung Probiotic đều đặn có thể mang lại những lợi ích bất ngờ cho sức khỏe, đặc biệt với những người gặp vấn đề về tiêu hóa. Bạn có thể nhận được Probiotic thông qua những thực phẩm được chế biến bằng quá trình lên men, hoặc các chất bổ sung men vi sinh được bán rất phổ biến trên thị trường.
Hy vọng bài viết trên có ích với bạn!
Tags:
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
Chưa có bài viết nào trong danh mục này...