Zinc hay còn được gọi là Kẽm là khoáng chất không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Dù chỉ cần bổ sung với lượng nhỏ nhưng Zinc đóng một vai trò thiết yếu trong hệ thống miễn dịch và hàng loạt các chức năng, quá trình sinh học quan trọng khác. Vậy Zinc là gì? Zinc có những tác dụng gì? Những tác dụng phụ có thể gặp khi tiêu thụ Zinc và Cách bổ sung Zinc hiệu quả? Mời bạn đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu kỹ hơn về khoáng chất này.
ZINC KẼM LÀ GÌ?
Zinc hay Kẽm là một khoáng chất cực kỳ cần thiết đối với cơ thể. Nó tham gia vào nhiều chức năng quan trọng như:
- Biểu hiện gen
- Phản ứng enzym
- Hệ thống miễn dịch
- Tổng hợp protein và DNA
- Sữa chữa tế bào, làm lành vết thương
- Đảm bảo quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ thể.
Cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất và lưu trữ kẽm Zinc, do đó bạn cần phải bổ sung khoáng chất này thông qua chế độ ăn uống. Zinc thường được tìm thấy trong thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng, sữa, hải sản, một số loại hạt, ngũ cốc và một số loại rau củ, trái cây. Ngoài ra, các sản phẩm bổ sung kẽm cũng rất được ưa chuộng để hỗ trợ những vấn đề về sức khỏe.
5 LỢI ÍCH QUAN TRỌNG CỦA KẼM ZINC
Zinc giúp tăng cường hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch là “lá chắn sinh học” bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Trong đó, Zinc đóng vai trò quan trọng giúp cho hệ miễn dịch được vận hành hiệu quả. Khoáng chất này thúc đẩy hoạt động của tế bào T và tế bào tiêu diệt vi khuẩn tự nhiên. Nếu cơ thể thiếu kẽm Zinc, điều này có thể dẫn tới phản ứng suy giảm miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bạn sẽ dễ mắc các bệnh gây ra bởi virus, vi khuẩn như cảm cúm, viêm phổi, zona thần kinh,…
Bổ sung Zinc đem lại hiệu quả kích thích các tế bào miễn dịch, đồng thời giảm stress oxy hóa (hiện tượng mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa, gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng như: tiểu đường, xơ vữa động mạch, suy giảm chức năng tim mạch, não bộ, ung thư,…).
Một đánh giá được rút ra từ 7 nghiên cứu cho thấy tiêu thụ 80 - 92mg Zinc mỗi ngày có thể làm giảm thời gian cảm lạnh tới 33%.
Zinc giúp tăng cường chức năng não bộ
Trong hệ thần kinh trung ương, hàm lượng dồi dào của Zinc chỉ đứng ngay sau sắt. Một trong những vùng não chính hỗ trợ quá trình hình thành hệ thần kinh ở người trưởng thành đã được chứng minh chứa nồng độ Zinc cao: Vùng Hồi Hải Mã (hippocampus), vỏ não, bó sợi rêu... Vi lượng kẽm là một yếu tố sinh học đóng vai trò thiết yếu trong hệ thần kinh trung ương, từ sự phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh cho đến duy trì chức năng não ở người trưởng thành.
Một số biểu hiện bất thường và bệnh lý thần kinh liên quan tới việc thiếu hụt kẽm đã được nghiên cứu như: Bệnh Alzheimer, Parkinson, trầm cảm, đột quỵ, động kinh,…
Trong các thí nghiệm trên chuột, thiếu kẽm Zinc ở chuột mẹ trong khi mang thai dẫn tới những khiếm khuyết về tư duy và trí nhớ của chuột con, cho dù sau này đến tuổi trưởng thành có được bổ sung đầy đủ. Còn đối với người, phụ nữ có thai luôn được khuyến nghị phải bổ sung kẽm đầy đủ để tạo môi trường thuận lợi cho trí não thai nhi được phát triển bình thường.
Đối với những người bị trầm cảm, uống kẽm kết hợp cùng thuốc kê đơn có thể giúp cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả hơn. Nó cũng mang lại lợi ích cho những người không thể điều trị chỉ bằng thuốc chống trầm cảm.
Đối với trẻ em bị rối loạn tăng động thái chú ý, việc bổ sung kẽm cùng với thuốc điều trị đặc hiệu cũng giúp giảm các triệu chứng bệnh tốt hơn so với việc chỉ dùng thuốc kê đơn.
Zinc giúp vết thương mau lành
Kẽm Zinc được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện như một loại thuốc điều trị bỏng và một số vết thương, vết loét ngoài da khác, giúp các vết thương mau lành hơn. Lý do là bởi Zinc đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp Collagen, chức năng miễn dịch và phản ứng viêm nên rất cần thiết cho những tình trạng bệnh như trên. Những người có vết thương, vết loét lâu năm không lành cũng thường có mức Zinc thấp.
Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần trên 60 người bị lở loét chân do tiểu đường cho thấy việc bổ sung 200mg Zinc/ngày đã giảm đáng kể kích thước vết loét so với nhóm dùng giả dược.
Bôi hỗn hợp chứa kẽm lên da có thể giúp chữa lành các vết loét do tì đè, đây là vết loét thường gặp ở những bệnh nhân phải giữ một tư thế quá lâu. Uống kẽm cùng với vitamin C và Arginine cũng mang lại lợi ích tương tự.
Các nghiên cứu đối với tình trạng viêm lợi cũng cho thấy hiệu quả của việc sử dụng kem đánh răng có chứa kẽm (có hoặc không có chất kháng khuẩn) có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tình trạng bệnh.
Zinc tốt cho da, tóc và móng
Kẽm Zinc phân bổ vào da, tóc và móng giúp chúng phát triển bình thường. Thiếu Zinc có thể khiến tóc xơ cứng, chẻ ngọn, dễ rụng, chuyển màu vàng, móng dễ gãy, chậm mọc, da khô, đen sạm, thậm chí xuất hiện nhiều vết bớt trắng. Trên thực tế, làn da của bạn chứa một lượng Zinc tương đối cao, khoảng 5% hàm lượng Zinc cần thiết cho cơ thể.
Với những người bị rụng tóc nhiều một cách bất thường, rất có khả năng cơ thể đang thiếu hụt kém. Cụ thể, thiếu Zinc sẽ làm tăng nồng độ DHT (dihydrotestosterone), một loại hormone gây ra tình trạng rụng tóc. Hơn nữa thiếu kẽm sẽ kéo theo sự thiếu hụt protein, cản trở quá trình phát triển của nang tóc.
Đối với làn da, Zinc nổi tiếng với khả năng hỗ trợ điều trị mụn viêm, mụn trứng cá. Mụn trứng cá là một bệnh da liễu phổ biến mà rất nhiều người gặp phải, đặc biệt với thời tiết nóng ẩm, không khí ô nhiễm ở Việt Nam. Nguyên nhân gây mụn trứng cá là do các nang lông trên da bị tắc nghẽn, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển và gây viêm.
Những người bị mụn trứng cá thường có lượng kẽm trong cơ thể thấp hơn người bình thường. Các nghiên cứu cho thấy phương pháp điều trị bằng kẽm tại chỗ hoặc uống đều đem lại hiệu quả cho việc điều trị mụn trứng cá, bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn P.acne – thủ phạm chính gây mụn trên da và giảm hoạt động của tuyến bã nhờn.
Zinc giúp phòng tránh một số bệnh liên quan đến tuổi già
Zinc được khuyến khích bổ sung cho người cao tuổi bởi khoáng chất này có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác như: tổn thương tế bào võng mạc, thoái hoá điểm vàng, suy giảm hoặc mất thị lực, viêm phổi, nhiễm trùng,…
Chắc hẳn bạn đã biết rõ công dụng của vitamin A đối với thị lực. Còn kẽm thì sao? Kẽm là hoạt chất quan trọng để đưa vitamin A vào võng mạc. Nếu cơ thể không nạp đủ kẽm, việc hấp thụ vitamin A sẽ gặp nhiều khó khăn, từ đó gây suy giảm thị lực.
Một nghiên cứu lớn được thực hiện trên 4200 người cao tuổi cho thấy việc bổ sung 80mg Zinc cùng một số chất chống oxy hóa như Vitamin E, Vitamin C và Beta-carotene đã giúp phòng tránh bệnh thoái hóa điểm vàng và mất thị lực khá hiệu quả.
Ngoài ra, người lớn tuổi bổ sung kẽm trong chế độ ăn uống cũng sẽ cải thiện phản ứng với vắc xin cúm, giảm nguy cơ viêm phổi và hỗ trợ tăng cường chức năng não, giúp minh mẫn hơn ở tuổi già.
Một nghiên cứu khác cũng xác định: bổ sung 45mg Zinc/ngày có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng ở người lớn tuổi lên tới 66%, đồng thời giảm các dấu hiệu viêm nhiều hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược.
MỘT SỐ LỢI ÍCH KHÁC CỦA ZINC KẼM:
Ngoài 5 lợi ích chính đã nêu trên, Zinc còn có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho những tình trạng sức khỏe dưới đây:
- Biếng ăn: Uống Zinc giúp cải thiện vị giác, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Thiếu kẽm làm giảm sự nhạy cảm của vị giác hoặc mất hẳn, khiến trẻ chán ăn, lười ăn, ăn không ngon và gây sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
- Tiêu chảy: Kẽm là giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy ở trẻ em bị suy dinh dưỡng. Liều lượng khuyến nghị trong trường hợp này thông thường là 20mg/ngày.
- Sự phát triển của trẻ: Mẹ bầu bổ sung đầy đủ kẽm trong thời kỳ mang thai giúp trẻ sơ sinh phát triển tốt hơn trong những năm đầu đời, cả về trí tuệ và thể lực. Thiếu kẽm có thể khiến trẻ sinh non và chậm phát triển trí não.
- Hăm tã: Cho trẻ sơ sinh uống kẽm gluconate có thể giúp cải thiện tình trạng hăm tã.
- Hôi miệng: Nhai kẹo cao su, sử dụng kẹo ngậm hoặc nước súc miệng chứa Zinc giúp giảm tình trạng hôi miệng.
- Mụn rộp (Herpes): Bôi kẽm sulfat hoặc kẽm oxit, riêng lẻ hoặc kết hợp với các thành phần khác giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các nốt mụn rộp.
- Bệnh Wilson: Đây là một rối loạn di truyền khiến khoáng chất đồng tích tụ trong nhiều cơ quan. Bổ sung kẽm Zinc giúp cải thiện các triệu chứng của căn bệnh này bằng cách hạn chế lượng đồng được hấp thụ và tăng lượng đồng mà cơ thể thải ra.
- Cảm thường: Một vài nghiên cứu cho thấy ngậm viên có chứa kẽm gluconat hoặc kẽm axetat có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh cảm thường ở người lớn (liều lượng hàng ngày trên 75mg).
- Viêm loét dạ dày: Uống kẽm acexamate có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày.
- Mụn cóc: Bôi thuốc mỡ chứa kẽm, hoặc uống kẽm sulfate có thể giúp điều trị mụn cóc với hiệu lực tương đương các phương pháp chữa trị thông thường.
- Xương khớp: Ai cũng biết canxi quan trọng đối với xương, nhưng kẽm là khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển và hình thành xương, nhờ chức năng của nó trong tăng trưởng và phát triển của tế bào, cũng như thúc đẩy sản sinh collagen cần thiết để giúp cho xương khỏe mạnh.
- Chức năng tình dục: Kẽm Zinc điều hoà chức năng nội tiết tốt của tuyến yên, sinh dục, giáp trạng và thượng thận. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mức kẽm thấp có thể dẫn tới chậm phát triển giới tính, các vấn đề về khả năng sinh sản và sức khỏe tình dục ở nam giới. Ngược lại, khi quá nhiều kẽm cũng có thể gây hại cho tinh trùng.
TẠI SAO NAM GIỚI NÊN BỔ SUNG KẼM ZINC?
Bạn có biết tại sao người ta thường khuyên ăn hàu nếu như muốn tăng cường sinh lý? Đó là bởi hàu là một trong những thực phẩm tự nhiên chứa hàm lượng kẽm Zinc dồi dào nhất. Zinc mang lại nhiều lợi ích dành riêng cho nam giới, đặc biệt ở chức năng sinh dục.
Zinc giúp tăng cường sinh lý và duy trì sức khỏe sinh sản
Zinc là nguyên liệu không thể thiếu trong cấu tạo của testosterone. Đồng thời, Zinc cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cấu trúc, tổng hợp và bài tiết nhiều hormon khác.
Zinc cực kỳ cần thiết cho quá trình sản xuất tinh trùng. Hầu hết các trường hợp giảm ham muốn tình dục, giảm lượng tinh trùng và tinh trùng loãng là do thiếu kẽm.
Zinc giúp tăng khả năng di chuyển của tinh trùng
Đối với nam giới, nồng độ Zinc trong tinh dịch liên quan trực tiếp tới chất lượng tinh trùng. Thường xuyên xuất tinh có thể làm thiếu hụt Zinc. Mỗi lần xuất tinh, cơ thể đàn ông cần dùng khoảng 5mg Zinc, lượng này tương đương với khoảng 1/2 lượng Zinc mà cơ thể hấp thu mỗi ngày.
Thiếu hụt kẽm Zinc ở đàn ông có thể gây ra giảm tần suất tình dục, giảm số lượng cũng như chất lượng tinh trùng,bất thường hình thái tinh trùng. Bên cạnh đó, thiếu kẽm cũng là nguyên nhân làm cho lượng tinh trùng di chuyển thấp hơn 50%. Tinh trùng di chuyển kém là một trong các nguyên nhân gây vô sinh ở nam.
Do đó, kẽm Zinc chính là trợ thủ đắc lực của đàn ông. Bổ sung Zinc cho nam giới sẽ giúp tăng cường sức bền và khả năng di chuyển của tinh trùng khi bơi tới trứng để thụ tinh.
Zinc giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
Kẽm Zinc đóng vai trò rất quan trọng đối với tiền liệt tuyến. Lượng Zinc tập trung ở tinh dịch và tuyến tiền liệt nhiều hơn bất cứ cơ quan nào trong cơ thể. Thiếu Zinc ở nam giới có thể nguy cơ gây phì đại tiền liệt tuyến và dẫn đến những thay đổi khác ở tuyến sinh dục nam.
Do đó, Zinc liên quan đến khả năng sinh dục, đặc biệt ZInc quan trọng cho đàn ông khi bước qua tuổi trung niên – độ tuổi bắt đầu xuất hiện các vấn đề của tuyến tiền liệt. Hơn thế nữa, Zinc còn có khả năng kích thích cơ thể sản xuất ra một loại protein có công dụng gây “tê liệt” cadmium – một chất nguy hiểm có thể gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Zinc giúp bảo vệ tuyến giáp
Kẽm Zinc là một trong các khoáng chất quan trọng tham gia vào quá trình sản sinh hormon tuyến giáp. Ở nam giới, nếu quá trình này bị gián đoạn sẽ dẫn tới giảm lượng kích thích tố sinh dục nam.
NGUYÊN NHÂN VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT THIẾU HỤT ZINC KẼM
Nguyên nhân gây thiếu Zinc
- Chế độ ăn thiếu kẽm hoặc chứa các thành phần gây cảm trở hấp thụ kẽm vào cơ thể.
- Mắc một số bệnh lý như: bệnh Crohn, xơ nang, hồng cầu hình liềm, suy gan nặng, bệnh thận mãn tính, hội chứng thận hư, đái tháo nhạt.
- Lạm dụng bia rượu
- Trẻ lớn bú mẹ hoàn toàn.
- Vận động viên, người thường xuyên tập gym, chơi thể thao có nhu cầu kẽm Zinc cao hơn bình thường.
Dấu hiệu nhận biết thiếu Zinc
- Rụng tóc: Đây là dấu hiệu đầu tiên cần nhắc đến báo động cơ thể đang thiếu kẽm Zinc. Zinc là khoáng chất thiết yếu đối với sự nhân lên của tế bào và hấp thu protein. Những chức năng này rất quan trọng để có một mái tóc chắc khỏe, dày, bóng mượt.
- Móng giòn, dễ gãy và có đốm trắng: Cơ thể cần kẽm để phát triển các mô và tế bào ở móng. Thiếu kẽm có thể dễ dàng nhận biết qua tình trạng móng tay, mà biểu hiện nặng nhất là xuất hiện đốm trắng.
- Suy giảm sức khỏe răng miệng: Zinc rất cần thiết để có một hàm răng chắc khỏe và sáng bóng. Zinc là một yếu tố thiết yếu và hiện diện tự nhiên trong mảng bám, nước bọt và men răng. Nếu thiếu Zinc, răng dễ bị mẻ, vị giác thay đổi, rêu lưỡi trắng và tăng nguy cơ bị loét miệng, viêm nướu.
- Loét miệng: Thiếu Zinc có thể khiến những vết loét miệng liên tục tái diễn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống.
- Mụn: Một nghiên cứu mới nhất cho thấy 54% số người bị mụn trứng cá có mức Zinc thấp. Những người thiếu Zinc cũng hay có những vết đóng vảy do mụn không liền vì Zinc rất cần thiết để chữa lành vết thương.
- Xương yếu: Kẽm cần thiết cho sự hình thành và phát triển xương. Thiếu kẽm có thể dẫn đến những vấn đề trong sự phát triển xương ở trẻ nhỏ và tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương ở người trưởng thành.
TÁC DỤNG PHỤ CỦA ZINC
Tác hại của việc dư thừa kẽm Zinc
Kẽm Zinc là khoáng chất vô cùng quan trọng đối với cơ thể, do đó bổ sung đầy đủ kẽm Zinc là một trong những yếu tố then chốt để có một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Dư thừa Zinc có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe dưới đây.
- Buồn nôn, nôn nhiều lần trong ngày
- Đau bụng, chướng bụng
- Tiêu chảy
- Thường xuyên đắng miệng
- Triệu chứng giống bệnh cúm: sốt, ớn lạnh, ho, nhức đầu
- Giảm nồng độ cholesterol tốt (HDL), tăng nguy cơ mắc bệnh tim
- Thiếu đồng, do bị kẽm cạnh tranh để hấp thụ vào ruột
- Rối loạn phản ứng miễn dịch, dễ bị bệnh xâm nhập.
Tương tác thuốc
Ăn thực phẩm giàu kẽm hoặc sử dụng các chất bổ sung kẽm cùng lúc với những loại thuốc sau có thể làm suy giảm hoặc biến đổi tác dụng của chúng:
- Thuốc kháng sinh Quinolone, Tetracycline, Cephalexin
- Cisplatin (một loại thuốc điều trị ung thư)
- Penicillamine (thuốc điều trị viêm thấp khớp, bệnh Wilson)
- Thuốc điều trị HIV: Ritonavir, Atazanavir
- Amiloride (thuốc lợi tiểu giữ kali)
CÁCH BỔ SUNG KẼM ZINC HIỆU QUẢ
Liều lượng bổ sung
Dưới đây làm hàm lượng kẽm Zinc cần bổ sung hàng ngày được tổ chức y tế thế giới WHO khuyến nghị:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 2mg/ngày
- Trẻ từ 7 tháng - 3 tuổi: 5mg/ngày
- Trẻ từ 4 - 13 tuổi: 8 - 10mg/ngày
- Người trưởng thành: 10 - 12mg/ngày
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: 15 - 25mg
Các thực phẩm tự nhiên giàu kẽm
Bạn có thể dễ dàng bổ sung kẽm thông qua các thực phẩm sau:
- Thịt: đặc biệt là các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt trâu.
- Thịt gia cầm: thịt gà, thịt vịt.
- Cá: cá hồi, cá bơn, cá mòi.
- Động vật có vỏ: hàu, tôm, cua, sò, hến, trai,…
- Các loại hạt: đậu phộng, hạt bí, hạt hướng dương, hạt vừng, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hạt gai dầu,…
- Các loại đậu: đậu lăng, đậu gà, đậu xanh, đậu đỏ, đậu tây, đậu Hà Lan,…
- Trứng
- Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, bơ, pho mát)
- Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, gạo lứt, quinoa,…
- Một số loại rau củ: nấm, cải xoăn, măng tây, củ cải đường.
Cần lưu ý rằng, nguồn bổ sung kẽm từ thực vật thường ít hơn và hấp thu kém hiệu quả hơn so với kẽm từ động vật. Nếu không thể nhận đủ kẽm từ chế độ ăn thông thường, bạn có thể mua các chất bổ sung Zinc được bày bán rất phổ biến trên thị trường.
ĐIều quan trọng phải ghi nhớ đó là chỉ nên lựa chọn các sản phẩm đến từ những thương hiệu uy tín, có bảng thành phần, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cùng bổ sung hàm lượng Zinc như nhau nhưng chất lượng có thể khác biệt nhau rất nhiều do nguồn nguyên liệu, công thức và cách điều chế khác nhau.
KẾT LUẬN
Zinc thực chất là tên gọi khác của Kẽm, một khoáng chất cực kỳ cần thiết đối với cơ thể. Zinc mang lại nhiều lợi ích quan trọng như tăng sức đề kháng, tăng cường chức năng não bộ, giúp vết thương mau lành, tốt cho da, móng, tóc,… Bạn có thể dễ dàng bổ sung Zinc thông qua nhiều thực phẩm tự nhiên hoặc sử dụng các chất bổ sung Zinc. Hy vọng bài viết trên có ích với bạn!
Tags:
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
Chưa có bài viết nào trong danh mục này...