Lysine là một axit amin thiết yếu cơ thể không thể tự sản xuất. Nó tham gia vào nhiều chức năng như miễn dịch, sản sinh collagen, hấp thụ canxi, điều chỉnh hormone, tâm trạng, và đặc biệt là hỗ trợ điều trị Herpes rất hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi làm rõ các vấn đề:
- Lysine là gì?
- Lysine tác dụng gì?
- Tại sao Lysine quan trọng với vận động viên, người tập gym?
- Tác dụng phụ của Lysine
- Cách bổ sung Lysine hiệu quả.
LYSINE LÀ GÌ? L-LYSINE LÀ GÌ?
Lysine hay L-lysine là một trong 20 axit amin mà cơ thể sử dụng để tổng hợp protein. Axit amin này thuộc nhóm thiết yếu, tức là cơ thể không thể tự sản xuất Lysine mà cần phải bổ sung thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.
Lysine đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ bắp. Vì vậy mà nó trở thành chất bổ sung yêu thích của nhiều người, đặc biệt là các vận động viên, người thường xuyên tập gym, chơi thể thao.
Lysine là thành phần cần thiết cho quá trình sản xuất Carnitine - một axit amin được tìm thấy trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Ngoài ra, nó còn có nhiều chức năng quan trọng khác như: tăng sản sinh collagen, hỗ trợ hấp thụ canxi, điều chỉnh hormone, tâm trạng, ổn định mức đường huyết,….
L-lysine là đồng phân hình L của Lysine (ngoài ra còn có đồng phân hình D). Đây là dạng đồng phân được tìm thấy nhiều nhất trong thực phẩm và cũng được sử dụng phổ biến nhất trong các chất bổ sung. Do đó ở bài viết này, khi nhắc tới Lysine cũng có nghĩa là nói đến L-lysine, và ngược lại.
5 TÁC DỤNG QUAN TRỌNG CỦA LYSINE
"Lysine có tác dụng gì" hay "L-Lysine có tác dụng gì" là thắc mắc của nhiều người. Nếu bạn cũng có cùng băn khoăn trên thì nội dung dưới đây sẽ là lời giải đáp chi tiết.
LYSINE GIÚP VẾT THƯƠNG MAU LÀNH
Lysine là nguyên liệu cần thiết cho việc hình thành collagen. Collagen chiếm tới 1/3 tổng số lượng protein trong cơ thể, được coi như “chất keo dính” để liên kết tất cả các tế bào với nhau. Nó giúp xây dựng nên các khối cơ quan như xương, cơ, gân, da, răng, mạch máu và dây chằng.
Cơ thể bạn sẽ không thể sản sinh đủ lượng collagen cần thiết nếu không có sự tham gia của Lysine. Bổ sung Lysine sẽ làm tăng sinh collagen, giúp các mô liên kết mới nhanh chóng được hình thành, từ đó vết thương của bạn cũng mau lành hơn.
Bản thân Lysine cũng hoạt động như một chất liên kết và thúc đẩy hình thành tế bào mới tại vết thương. Nó thậm chí còn kích thích sản sinh các mạch máu mới.
Trong một nghiên cứu trên thỏ, việc bổ sung Lysine kết hợp cùng Arginine đã giảm thời gian chữa lành vết thương ngoài da và xương gãy sớm hơn tận 2 tuần, so với nhóm dùng giả dược.
Chữa lành vết thương là một quá trình phức tạp cần sự tham gia của nhiều vitamin, khoáng chất, axit amin và các yếu tố khác. Trong đó, Lysine đóng một vai trò không thể thay thế. Nếu cơ thể thiếu hụt Lysine, tốc độ chữa lành sẽ bị suy yếu đáng kể.
Hiện nay, các nghiên cứu mới chỉ chứng minh công dụng này khi bổ sung Lysine qua đường uống. Việc thoa kem chứa Lysine lên vết thương có thể đem lại lợi ích tương tự hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
LYSINE HỖ TRỢ SỨC KHỎE LÀN DA, MÓNG, TÓC
Nhờ khả năng thúc đẩy sản sinh collagen, Lysine cũng đem lại một số lợi ích nhất định cho làn da của bạn như: giảm lão hóa, giúp da mịn màng và được cấp ẩm hơn.
Một số nhà bán hàng tuyên bố bổ sung Lysine có thể hỗ trợ điều trị mụn viêm, mụn trứng cá. Tuy nhiên hiện nay có rất ít nghiên cứu về tác dụng này của Lysine. Do đó bạn nên cân nhắc cẩn thận hoặc chọn một chất bổ sung hiệu quả hơn cho tình trạng mụn trên da.
Ngoài ra, Lysine cũng giúp giảm tình trạng gãy rụng, giúp tóc và móng chắc khỏe hơn bởi collagen cũng là một phần trong cấu trúc của móng, tóc.
LYSINE GIÚP TĂNG HẤP THỤ CANXI
Các nghiên cứu cho thấy Lysine giúp tăng khả năng hấp thu canxi trong ruột đồng thời giảm tình trạng mất canxi. Canxi là khoáng chất cực kỳ quan trọng với sự phát triển và chắc khỏe của xương khớp, răng.
Một nghiên cứu trên 30 phụ nữ trong đó 15 người khỏe mạnh và 15 người bị loãng xương. Họ được cho uống 3g canxi và 400mg Lysine. Kết quả cho thấy việc bổ sung Lysine đã giúp cả 2 nhóm giảm sự bài tiết canxi qua nước tiểu.
Một số báo cáo cho thấy Lysine thậm chí còn có thể ngăn ngừa tích tụ canxi trong mạch máu – một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ các bệnh về tim.
LYSINE HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ MỤN RỘP (HERPES)
Mụn rộp (Herpes) là tình trạng nhiễm trùng khiến môi hoặc khóe miệng bạn xuất hiện các mụn nước chứa đầy chất lỏng bên trong, gây khó chịu, ngứa, đau rát và mất thẩm mỹ. Nguyên nhân là do virus herpes simplex type 1 (HSV-1). Khi hệ miễn dịch suy yếu, virus này sẽ dễ dàng tấn công cơ thể và gây ra các nốt mụn rộp, mụn nước như trên.
Bằng cách ức chế axit amin arginine – nguyên liệu cần thiết cho virus HSV-1 sinh sôi, Lysine giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị Herpes, làm giảm thời gian và sự lây lan của các nốt mụn rộp. Một nghiên cứu đã cho những người dễ bị tái phát mụn rộp bổ sung 1g Lysine/ngày. Kết quả cho thấy tỷ lệ tái phát lẫn thời gian bị bệnh của họ đã giảm đi rõ rệt.
LYSINE GIÚP GIẢM LO ÂU, CĂNG THẲNG
Lysine có khả năng cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, căng thẳng. Một nghiên cứu kéo dài 1 tuần trên 50 người trưởng thành cho thấy việc bổ sung hỗn hợp 2.64g Lysine và Arginine mỗi ngày đã giúp giảm mức độ cortisol – một hormone liên quan đến sự căng thẳng thần kinh.
Tương tự, người ta đã bổ sung 4.2g Lysine cho mỗi kg bột mì viện trợ cho những ngôi làng nghèo đói tại Syria. Kết quả cho thấy mức độ căng thẳng ở cả nam và nữ đều được giảm đi.
Ngoài ra, một số nghiên cứu còn khám phá ra tiềm năng cải thiện các triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt của Lysine khi kết hợp với thuốc kê đơn.
MỘT SỐ TÁC DỤNG KHÁC CỦA LYSINE
Ngoài những lợi ích đã nên trên, người ta còn khám phá một số lợi ích rất hứa hẹn của Lysine. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về các công dụng này còn khá hạn chế hoặc chưa có thí nghiệm trên người, nên chưa thể khẳng định chắc chắn được.
Bảo vệ thị lực
Một nghiên cứu cho biết việc bổ sung 1.5g Lysine/ngày đã giúp cải thiện thị giác ở những người bị đục thủy tinh thể. Một nghiên cứu khác trên chuột bị tiểu đường cũng cho ra kết quả: Lysine giúp hạn chế suy giảm thị lực – một trong những triệu chứng của bệnh tiểu đường ở những con chuột đó.
Giảm nguy cơ tiểu đường
Lysine có thể làm giảm lượng đường trong máu, nên có lẽ nó giúp giảm nguy cơ tiểu đường. Một nghiên cứu cho biết bổ sung 1g Lysine kết hợp với glyciphage hoặc chlorformine trong 2 tháng đã giúp giảm 27% mức đường huyết.
Giảm huyết áp
Một nghiên cứu trên 50 người bị cao huyết áp cho thấy bổ sung Lysine giúp giảm mức huyết áp của họ.
Ngăn ngừa ung thư
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy Lysine kết hợp với Catechin (một chất chống oxy hóa) giúp ức chế các tế bào ung thư ở chuột.
TẠI SAO LYSINE QUAN TRỌNG VỚI CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN, NGƯỜI TẬP GYM
Là 1 axit amin, Lysine cũng tham gia vào quá trình tổng hợp protein – nguyên liệu không thể thiếu để xây dựng cơ bắp. Đối với vận động viên, người tập gym, các axit amin giúp nâng cao hiệu suất tập luyện bằng cách tác động lên hormone, mức năng lượng, tinh thần, sự mệt mỏi và chấn thương trong/sau các buổi tập. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu hụt Lysine có liên quan đến sự tăng trưởng kém và suy giảm khối lượng cơ bắp.
Trong các chất bổ sung, Lysine thường được kết hợp với một số vitamin, khoáng chất hoặc axit amin để mang lại nhiều lợi ích hơn, ví dụ vitamin C và Arginine. Khi kết hợp với vitamin C, nó giúp tạo ra một axit amin khác là carnitine giúp cơ thể chuyển hóa chất béo thành năng lượng và thúc đẩy lưu thông máu, bơm oxy đến cơ bắp. Còn khi kết hợp với một lượng carnitine thích hợp, nó giúp tăng nồng độ hormone tăng trưởng trong huyết tương. Hormone tăng trưởng có liên quan mật thiết đến sự phát triển của xương khớp và cơ bắp.
Một điều không kém phần quan trọng đó là Lysine giúp giảm tốc độ mất cơ và phân hủy protein. Sau những buổi tập cường độ cao kéo dài, cơ bắp thường bị đau nhức và quá trình dị hóa cơ bắt đầu. Nhưng với hàm lượng Lysine dồi dào, cơ thể bạn sẽ chuyển sang trạng thái đồng hóa, quá trình tổng hợp protein nhanh hơn quá trình phân hủy protein, giúp tái tạo các mô cơ mới thay thế cho mô cơ bị tổn thương. Nhờ đó cơ bắp sẽ bớt đau nhức và nhanh phục hồi hơn.
TÁC DỤNG PHỤ CỦA LYSINE
Ngoài thắc mắc "L Lysine là gì?" hay "L-Lysine có tác dụng gì" thì nhiều người cũng quan tâm đến tác dụng phụ của nó.
Nghiên cứu cho thấy Lysine không gây bất kỳ tác dụng phụ nào cho hầu hết mọi đối tượng. Lysine được sử dụng an toàn với liều lượng lên tới 3g/ngày trong thời gian 1 năm. Việc dư thừa Lysine với chế độ ăn uống thông thường là rất khó xảy ra.
Nhưng nếu bạn sử dụng các chất bổ sung Lysine và lạm dụng nó, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu.
AI KHÔNG NÊN BỔ SUNG LYSINE?
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: chưa có đủ nghiên cứu khẳng định Lysine an toàn cho đối tượng này.
- Người bị hạ huyết áp: bổ sung Lysine có thể khiến huyết áp của bạn tụt sâu hơn.
- Người bị các vấn đề về gan, thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Người bị siro niệu.
- Người nghiện rượu mãn tính.
CÁCH BỔ SUNG LYSINE HIỆU QUẢ
LIỀU LƯỢNG SỬ DỤNG
Thông thường, một người trưởng thành cần 500 – 1000mg Lysine mỗi ngày. Hoặc bạn có thể dựa vào cân nặng để ước tính: mỗi kg cân nặng tương ứng với 12mg Lysine. Giả sử, bạn nặng 70kg thì sẽ cần khoảng 840mg Lysine/ngày.
Với đối tượng là vận động viên, người tập gym, chơi thể thao, bạn có thể bổ sung Lysine lớn hơn mức trung bình để mang lại một số lợi ích cho cơ bắp và hiệu suất vận động. Liều lượng tối đa là 3g/ngày.
Để điều trị mụn rộp ở môi/khóe miệng (Herpes), uống 2g Lysine/ngày chia làm 2 lần, trong tối đa 12 tháng. Hoặc 3g Lysine/ngày chia làm 3 lần, trong tối đa 6 tháng. Để ngăn ngừa mụn rộp tái phát, uống 500 – 1200mg Lysine /ngày.
LYSINE CÓ TRONG THỰC PHẨM NÀO?
Lysine là một axit amin – thành phần cấu tạo nên protein. Do đó, bạn có thể dễ dàng tìm thấy Lysine từ các thực phẩm giàu protein như:
- Thịt gia súc, gia cầm: Thịt bò nạc, ức gà, thịt thăn heo.
- Hải sản: trai, tôm, hàu, cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: sữa bò, sữa chua, phô mai.
- Trứng.
Với những người ăn chay, bạn có thể bổ sung Lysine từ các thực phẩm sau:
- Yến mạch.
- Các loại đậu: đậu phụ, đậu nành, đậu lăng, đậu gà, đậu hải quân, đậu thận, đậu Hà Lan.
- Các loại hạt: hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt óc chó, hạnh nhân, đậu phộng.
- Một số trái cây: bơ, lê, mơ khô.
- Một số loại rau củ: nấm, khoai tây, ớt, tỏi tây.
CÁC CHẤT BỔ SUNG LYSINE
Thực phẩm bổ sung Lysine được sử dụng rất phổ biến, chủ yếu để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các vết mụn rộp, loét miệng. Hàm lượng Lysine thường thấy trong các chất bổ sung là 500 – 1000mg/serving.
Đối với vận động viên, người tập gym, chơi thể thao, họ thường tìm đến các chất bổ sung kết hợp Lysine với 8 axit amin thiết yếu khác để kích thích quá trình tổng hợp protein, hỗ trợ xây dựng cơ nạc và thúc đẩy tốc độ phục hồi của cơ bắp sau những buổi tập nặng. Chất bổ sung đó có tên gọi là EAA.
Tham khảo:
MỘT SỐ LƯU Ý KHI BỔ SUNG LYSINE
• Chú ý liều lượng khi sử dụng thực phẩm bổ sung vì dùng Lysine quá liều có thể gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu thậm chí sỏi thận.
• Khi bổ sung Lysine qua thực phẩm nên tránh việc chế biến lâu vì Lysine dễ bị mất trong quá trình đun nấu.
• Lysine có thể tăng hấp thu và giảm đào thải Canxi. Thế nên bạn cần thận trọng nếu bổ sung lượng lớn Canxi trong lúc dùng Lysine.
• Lysine có thể tương tác với các thuốc và chất bổ sung có chứa: Arginine và các kháng sinh aminoglycoside (gentamycin, neomycin, streptomycin...)
• Trao đổi với bác sĩ trước khi bổ sung Lysine nếu bạn bị bệnh thận, gan hoặc đang mang thai, cho con bú.
KẾT LUẬN
Lysine là axit amin mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ hỗ trợ điều trị Herpes, giảm lo âu, căng thẳng đến thúc đẩy sản sinh collagen, giúp vết thương mau lành và tăng cường sức khỏe da, móng, tóc. Bạn có thể tiêu thụ Lysine thông qua các thực phẩm giàu protein hoặc sử dụng những chất bổ sung Lysine đơn lẻ, hoặc kết hợp Lysine với 8 axit amin khác. Hy vọng bài viết trên có ích với bạn!
Tags:
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
Chưa có bài viết nào trong danh mục này...