Omega 3 là nhóm các axit béo đặc biệt quan trọng với sự phát triển thị lực và trí não của trẻ. Vậy tác dụng cụ thể của Omega 3 là gì? Có nên bổ sung Omega 3 cho bé không? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
OMEGA 3 LÀ GÌ?
Omega 3 bản chất là một nhóm các axit béo xuất hiện trong các lớp mỡ của cá nước lạnh, các loại động vật có vỏ, dầu thực vật, một số loại hạt, quả óc chó, hạt lanh, dầu tảo và các loại Thực phẩm bổ sung khác. Hàm lượng Omega 3 có thể khác nhau tùy thuộc vào loại thực phẩm.
Ba loại Omega 3 quan trọng nhất là: axit alpha-linolenic (ALA), axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA).
ALA được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như quả óc chó, hạt cây gai dầu, hạt chia, hạt lanh và dầu của chúng. Nó là là axit béo thiết yếu nhưng không thể hoạt động trực tiếp trong cơ thể ngay sau khi tiêu thụ mà cần chuyển hóa thành EPA và DHA để sử dụng.
EPA và DHA xuất hiện nhiều trong dầu cá và cá béo, nhưng cũng có trong hải sản, tảo và dầu tảo. Nó còn có thể được chuyển hóa từ ALA trong cơ thể. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa này không hiệu quả bởi chí có khoảng 2–10% ALA triêu thụ được chuyển thành EPA và DHA.
Trên thị trường, EPA và DHA được cung cấp phổ biến dưới dạng thực phẩm bổ sung. Một số loại thực phẩm bổ sung Omega 3 cho bé là dầu nhuyễn thể, dầu cá và dầu tảo.
=> Tìm hiểu thêm về Omega 3: OMEGA 3 CÓ TÁC DỤNG GÌ? 17 LỢI ÍCH SIÊU BẤT NGỜ CỦA OMEGA 3
TÁC DỤNG CỦA OMEGA 3 CHO TRẺ EM
Omega 3 hỗ trợ phát triển não bộ
Khoảng thời gian não bộ phát triển tốt nhất là từ khi mới sinh cho đến khoảng 2 tuổi, mặc dù quá trình này vẫn diễn ra xuyên suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Hơn 60% bộ não được tạo thành từ chất béo và axit béo Omega 3 DHA (axit docosahexaenoic) chiếm khoảng 10-15% trong số này.
DHA cần thiết cho sự phát triển của hệ thống thần kinh cảm giác, tri giác, nhận thức và vận động trong quá trình phát triển não bộ. Các bộ phận có thành phần chính là DHA của não được cho là chịu trách nhiệm về các hoạt động như lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và duy trì sự tập trung chú ý.
DHA được nghiên cứu công nhận là cần thiết cho chức năng bình thường của não. Axit béo Omega 3 này giúp cải thiện tính lưu động của màng não, cho phép các xung thần kinh, hoặc thông điệp, được truyền đi hiệu quả hơn.
Ở động vật, nồng độ DHA trong não thấp dẫn đến thay đổi hành vi và có liên quan đến các vấn đề học tập và suy giảm trí nhớ. Ở người, các nghiên cứu chỉ ra rằng DHA hỗ trợ IQ và duy trì khả năng học tập và ghi nhớ.
Trong một đánh giá của 7 nghiên cứu khác nhau báo cáo về việc bổ sung DHA đối với kết quả học tập ở trường, có đến 5 nghiên cứu cho thấy DHA đã cải thiện thành tích của đối tượng trẻ em tham gia, bao gồm khả năng học tập, đọc và đánh vần.
Omega 3 tăng cường sức khỏe của xương
Omega 3 có tác dụng đối với sức khỏe xương của trẻ ở độ tuổi phát triển. Mối liên hệ giữa omega-3 và sức khỏe của xương còn ít được biết đến nhưng đã có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này trong những năm gần đây.
Nghiên cứu chủ yếu tập trung vào giá trị của omega 3 trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa sự mất xương ở người lớn tuổi, nhưng có thể có liên quan ở mọi lứa tuổi và có xem xét sự tác động của omega-3 với sự phát triển xương của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển chiều cao nhanh chóng.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng omega-3 có thể giúp hỗ trợ các nguyên bào xương - có liên quan đến sự tăng trưởng chiều cao vì đây là những tế bào tạo nên xương khỏe mạnh. Omega-3 cũng giúp kiểm soát tình trạng viêm, hỗ trợ xây dựng xương khỏe mạnh. Lý do là bởi tình trạng viêm quá mức sẽ kích hoạt các tế bào gây phân hủy xương.
Một cơ chế khả thi khác mà omega-3 có thể giúp hỗ trợ xương khỏe mạnh là thông qua việc hỗ trợ hấp thụ canxi - một khoáng chất thiết yếu cần thiết cho cấu trúc xương khỏe mạnh.
Omega-3 có thể cải thiện kỹ năng đọc và làm toán ở trẻ em
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã thực nghiệm trên những đứa trẻ được cung cấp 600mg omega-3 mỗi ngày trong 4 tháng. Kết quả của nghiên cứu này, gọi là nghiên cứu DOLAB, cho thấy rằng trẻ em thuộc nhóm 20% kém nhất về khả năng đọc viết đã tăng tuổi đọc (khả năng đọc của trẻ so với trẻ em bình thường) lên 3 tuần so với nhóm dùng giả dược và những trẻ ở nhóm 10% kém nhất, tăng 1,9 tháng.
Mặc dù cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận hoặc loại trừ những phát hiện này, nhưng kết quả chỉ ra rằng omega-3 có thể đặc biệt hữu ích đối với trẻ có kỹ năng đọc kém nhất và thành tích không tốt.
Trong một nghiên cứu khác ở Bradford, học sinh được cung cấp dầu cá omega-3 hàng ngày, kết quả là 81% học sinh cải thiện khả năng đọc, 67% viết và 74% thành tích trong môn Toán.
Sử dụng Omega 3 cho bé có thể cải thiện giấc ngủ
Chất lượng giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Nghiên cứu DOLAB cũng kiểm nghiệm xem việc bổ sung omega-3 có thể có tác dụng hữu ích đối với giấc ngủ hay không.
Kết quả cho thấy rằng một giấc ngủ có chất lượng kém có liên quan đáng kể đến nồng độ DHA trong máu thấp, và việc bổ sung DHA dẫn đến giảm số lần trẻ bị tỉnh vào ban đêm, cũng như trung bình trẻ có thể ngủ nhiều hơn 58 phút mỗi đêm.
Omega-3 có thể cải thiện chứng trầm cảm ở trẻ em
Có một số nghiên cứu chứng minh hiệu quả của omega-3 đối với chứng trầm cảm ở người lớn, nhưng chứng trầm cảm ở trẻ em thực sự cũng là một vấn đề đáng để nghiên cứu. Một nghiên cứu thí điểm ở Israel đã xem xét tác động của việc bổ sung omega-3 không kê đơn ở trẻ em 6-12 tuổi bị trầm cảm nặng.
Kết quả là phần lớn trẻ em dùng chất bổ sung omega-3 có ít triệu chứng hơn 50% khi kết thúc thử nghiệm và một số trẻ thuyên giảm hoàn toàn tình trạng này.
Một nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng việc bổ sung ít nhất 60mg EPA mỗi ngày và 1560mg DHA trong 6 tuần đã cải thiện đáng kể chức năng não nói chung và giảm các triệu chứng hưng cảm, trầm cảm ở bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực vị thành niên.
Omega-3 cải thiện rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở trẻ em. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân ADHD có nồng độ omega-3 trong máu thấp hơn so với những người không mắc ADHD.
Đã có nhiều nghiên cứu về mối tương quan giữa bổ sung Omega 3 cho trẻ em và chứng ADHD, tuy nhiên vẫn chưa đi đến thống nhất về hiệu quả của chúng trong việc kiểm soát tình trạng này.
Tuy nhiên, một bài báo được xuất bản vào năm 2019 đã kết luận sau khi xem xét dữ liệu và nghiên cứu hiện có, rằng kết hợp EPA và DHA với liều lượng bằng hoặc cao hơn 750mg mỗi ngày trong 12 tuần đã cho thấy sự cải thiện đáng kể các triệu chứng của ADHD.
Hơn nữa, điều quan trọng ở đây là phải xem xét tình trạng bổ sung axit béo Omega 3 của mẹ trước khi sinh, vì điều này cũng đã được chứng minh là ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ADHD và các rối loạn thần kinh khác ở trẻ.
Omega-3 cải thiện khả năng học tập và hành vi cho trẻ mắc rối loạn phát triển
Nghiên cứu Oxford-Durham là một nghiên cứu được tiến hành với mục đích xem xét tác động của việc bổ sung omega-3 đối với trẻ em mắc chứng rối loạn phát triển phối hợp (DCD). Trẻ em bị DCD thường chậm trong việc phối hợp thể chất, tức là thực hiện các hoạt động thể chất bình thường một cách chậm chạp và không linh hoạt.
Vào cuối thử nghiệm, kết quả cho thấy có sự cải thiện đáng kể về khả năng đọc, chính tả và hành vi ở những trẻ đã bổ sung omega-3. Các tác giả kết luận rằng omega-3 là một lựa chọn điều trị an toàn và hiệu quả cho trẻ em bị rối loạn phát triển phối hợp.
Sử dụng omega-3 cho bé trong giai đoạn đầu đời có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh dị ứng
Một bài báo năm 2017 đã báo cáo rằng ăn cá có dầu hoặc bổ sung dầu cá trong thai kỳ có thể là một cách hợp lý để ngăn ngừa bệnh dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong khi một nghiên cứu khác ở trẻ sơ sinh trong vòng 6 tháng tuổi phát hiện ra rằng omega-3 có thể cải thiện khả năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng dị ứng.
Ngoài ra, Bisgaard et al. đã báo cáo những trẻ có mẹ dùng dầu cá trong thời kỳ mang thai đã giảm đáng kể tỷ lệ bị các vấn đề về hô hấp hoặc hen suyễn dai dẳng ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Điều này chỉ ra rằng việc người mẹ tiêu thụ omega-3 trong khi mang thai hoặc hấp thụ omega-3 trong thời kỳ sơ sinh có thể giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng, bao gồm cả bệnh hen suyễn.
Omega-3 có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp và tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Axit béo omega-3 có thể có tác dụng có lợi đối với hệ thống miễn dịch, như đã thảo luận ở trên, và điều này giúp giảm khả năng mắc các bệnh thông thường ở trẻ sơ sinh.
Một nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp (như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, ho, viêm phổi) và tiêu chảy ở trẻ uống sữa công thức có bổ sung axit béo omega-3 DHA, so với trẻ uống sữa công thức không bổ sung DHA. Kết quả cho thấy số lần mắc bệnh đường hô hấp và tiêu chảy trong 12 tháng đầu đời đã giảm đáng kể ở trẻ uống sữa công thức giàu DHA.
Omega-3 có thể làm giảm kháng insulin ở trẻ béo phì
Trong một nghiên cứu trên trẻ em và thanh thiếu niên béo phì, người ta thấy rằng việc bổ sung axit béo omega-3 có thể làm giảm đáng kể lượng glucose (lượng đường trong máu) và tăng khả năng hoạt động của insulin (hormone được tiết ra khi lượng đường trong máu tăng).
Bên cạnh đó, Omega 3 cũng làm giảm đáng kể nồng độ chất béo trung tính - thành phần chính của chất béo trong cơ thể. Những kết quả này cho thấy bổ sung omega-3 cho trẻ có thể được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ cho trẻ béo phì và thanh thiếu niên bị kháng insulin.
OMEGA 3 TRẺ EM UỐNG ĐƯỢC KHÔNG?
Dầu cá là một lựa chọn hợp lý để bổ sung Omega 3 bên cạnh thực phẩm tự nhiên. Vậy có nên bổ sung dầu cá omega 3 cho trẻ em không?
Dầu cá là chất béo hoặc dầu được chiết xuất từ mô cá. Dầu cá thường được chiết xuất từ các loại cá có dầu như cá trích, cá ngừ, cá cơm và cá thu. Tuy nhiên, đôi khi dầu cá cũng được sản xuất từ gan của các loài cá khác, như trường hợp của dầu gan cá tuyết.
Trên thực tế, bổ sung Omega 3 cho trẻ em bằng dầu cá được đánh giá là khá an toàn và không gây hại. Tuy nhiên điều này cũng không cần thiết nếu chế độ ăn của bé có chứa các loại cá nhiều dầu như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ ít nhất mỗi tuần một lần.
Nếu chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ không có nhiều hoặc không cung cấp đủ lượng Omega 3, bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm bổ sung Omega 3 cho trẻ em, ví dụ như dầu cá. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ và lưu ý thêm một số điều sau:
• Sử dụng dầu cá được chiết xuất từ thịt cá, tuyệt đố không cho trẻ em và trẻ sơ sinh sử dụng các sản phẩm bổ sung Omega cho trẻ em từ gan cá. Lý do là bởi gan cá có thể chứa nhiều thành phần gây độc tố hoặc có hàm lượng vitamin A quá cao, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
• Hướng dẫn trẻ hoặc cho trẻ uống Omega 3 cho trẻ em đúng theo liều lượng đã được ghi trên bao bì hay theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Bổ sung Omega 3 quá liều có thể gây ra một số tác dụng phụ liên quan đến rối loạn tiêu hóa với các dấu hiệu như tiêu chảy, đau bụng.
• Với đối tượng là trẻ em dưới 2 tuổi, nên chọn sản phẩm bổ sung Omega 3 dưới dạng lỏng thay vì dạng viên nang thông thường.
• Nên tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng các sản phẩm bổ sung Omega 3 cho trẻ em và trẻ sơ sinh để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa tác dụng của sản phẩm.
NÊN BỔ SUNG OMEGA-3 HAY DHA CHO BÉ?
Chúng ta cũng thấy trong công dụng của Omega 3 cho bé có khá nhiều tác dụng liên quan đến DHA. Vậy DHA Omega cho bé, nên dùng loại nào?
Thực tế, cả Omega 3 nói chung và DHA nói riêng đều là những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ nhất là trong 3 năm đầu đời. Tuy nhiên nếu để cân nhắc sử dụng 1 trong 2 thì ba mẹ nên bổ sung Omega 3 cho bé. Bởi vì Omega 3 là nhóm axit béo đầy đủ và đã bao gồm cả DHA.
Bên cạnh đó, nhóm Omega 3 còn 1 axit béo quan trọng ít được quan tâm là ALA. ALA và DHA được ví như bộ đôi vàng hỗ trợ trẻ phát triển trí não.
Cụ thể, trí thông minh của chúng ta được hình thành và phát triển bởi mạng lưới các nơ ron thần kinh. Nhưng mạng lưới này có đặc tính là dị biệt và không thể thay thế. Nghĩa là theo thời gian nơ ron thần kinh chỉ mất đi chứ không sản sinh lại.
Vì vậy việc bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tổn thương cũng như ảnh hưởng tiêu cực của stress oxy hóa rất quan trọng. Một mình DHA sẽ không thể đủ để duy trì các kết nối thần kinh. Lúc này, sự có mặt của ALA là hỗ trợ tốt nhất để bảo vệ các nơ ron thần kinh.
ALA có khả năng thẩm thấu tốt nên có thể vượt qua hàng rào máu não, giúp vô hiệu stress oxy và sản sinh năng lượng cho não. Từ đó, gia tăng tính bền vững cho các kết nối thần kinh và tạo nên nền tảng để não bộ phát triển sau này.
TÁC DỤNG PHỤ CÓ THỂ XẢY RA KHI BỔ SUNG OMEGA 3 CHO BÉ
Bổ sung Omega 3 cho bé được coi là khá an toàn và không gây tác dụng phụ gì nghiêm trọng. Các tác dụng phụ của các chất bổ sung omega-3, chẳng hạn như dầu cá, thường không nguy hại gì, thậm chí không đáng chú ý.
Những tác dụng phụ phổ biến có thể kể đến như:
• Hôi miệng
• Dư vị khó chịu
• Đau đầu
• Ợ nóng
• Đau dạ dày
• Buồn nôn
• Tiêu chảy
Bạn nên hướng dẫn trẻ bổ sung đúng liều lượng khuyến nghị hoặc theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ. Ban đầu có thể sử dụng liều lượng thấp, sau đó tăng dần để đánh giá khả năng dung nạp.
Nếu trẻ bị dị ứng với cá hoặc động vật có vỏ nên tránh dầu cá và các chất bổ sung từ cá khác, chẳng hạn như dầu gan cá và dầu nhuyễn thể. Thay vào đó, bạn hãy chọn các loại thực phẩm hoặc chất bổ sung giàu omega-3 cho trẻ em khác như hạt lanh hoặc dầu tảo.
LIỀU LƯỢNG OMEGA 3 CHO TRẺ EM
Bổ sung Omega 3 cho trẻ em đúng cách cần chú ý đền liều lượng. Nếu bổ sung quá nhiều có thể gây ra tác dụng ngược ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy trước khi cho bé sử dụng, ba mẹ cần nắm được liều lượng Omega 3 cho trẻ em sau đây:
• 0–12 tháng: 0,5 gam/ngày
• 1–3 tuổi: 0,7 gam/ngày
• 4–8 tuổi: 0,9 gam/ngày
• Bé gái 9–13 tuổi: 1,0 gram/ngày
• Bé trai 9–13 tuổi: 1,2 gam/ngày
• Trẻ em gái 14-18 tuổi: 1,1 gram/ngày
• Bé trai 14–18 tuổi: 1,6 gam/ngày
Để ngăn ngừa tác dụng phụ, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn trước khi bắt đầu cho trẻ sử dụng các chế phẩm bổ sung Omega 3 cho bé.
CÁCH BỔ SUNG OMEGA 3 CHO BÉ
Sau khi biết tác dụng của Omega 3 cho bé chắc hẳn các bậc phụ huynh cũng thắc bổ sung Omega 3 cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thế nào? Dưới đây là 1 số cách để ba mẹ tham khảo:
• Sữa mẹ: đây là nguồn dinh dưỡng toàn diện và đầy đủ nhất dành cho trẻ sơ sinh. Vì thế để bổ sung Omega 3 cho trẻ sơ sinh mẹ cần tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu Omega 3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu... để tăng lượng Omega 3 trong sữa mẹ.
• Sữa công thức: Khi trẻ có thể dùng sữa công thức, ba mẹ hãy chọn chọn cho con những sản phẩm có hàm lượng DHA cao để trẻ phát triển não bộ và thị lực trong những năm đầu đời.
• Chế độ ăn hàng ngày: Khi trẻ đủ 6 tháng đã có thể bắt đầu ăn dặm. Lúc này mẹ có thể thêm vào chế độ ăn uống của con những thực phẩm giàu Omega 3. Cụ thể bé từ 6 tháng có thể ăn cá ngừ, từ 7 tháng có thể ăn cá thu, cá hồi. Nếu trẻ lớn hơn có thể ăn đa dạng các thực phẩm giàu Omega 3 khác như: quả óc chó, hạt chia, đậu nành, cá mòi...
• Thực phẩm bổ sung: Thực phẩm bổ sung cũng là 1 nguồn cung cấp Omega 3 cho trẻ. Tuy nhiên ba mẹ nên tìm hiểu kỹ sản phẩm và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.
CHO BÉ UỐNG OMEGA 3 VÀO LÚC NÀO?
Trong bữa ăn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cho bé uống Omega 3 vào đúng bữa ăn, nhất là một bữa ăn giàu chất béo. Bởi vì các chất béo trong thực phẩm có thể kích thích enzyme lipase hoạt động, giúp Omega 3 được hấp thu tối đa.
Cụ thể, sự hấp thu Omega 3 có thể tăng lên gấp 3 lần khi trẻ dùng cũng bữa ăn có chất béo và tăng lên 4 lần khi dùng cùng bữa ăn giàu chất béo.
Uống Omega 3 vào buổi sáng
Buổi sáng là thời điểm khá lý tưởng để bổ sung Omega 3 cho bé. Nghiên cứu cho rằng Omega có thể hấp thụ tốt hơn vào buổi sáng và giảm đi khả năng hấp thụ sau 14 giờ. Vì vậy, ba mẹ có thể chuẩn bị bữa sáng cho con với dầu oliu, cá, hạt chia...
Uống Omega 3 vào buổi tối
Việc uống Omega 3 vào buổi tối sẽ giúp bé có giấc ngủ sâu và ngon hơn. Trẻ sẽ bớt bị giật mình, tỉnh giấc đột ngột khi ngủ. Vì vậy, mẹ cũng có thể bổ sung thêm thực đơn giàu Omega 3 vào bữa tối của trẻ.
KẾT LUẬN
Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp cho tác dụng của Omega 3 cho bé cũng như có nên bổ sung Omega 3 cho trẻ em không. Omega 3 là dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nhưng trước khi sử dụng các chế phẩm bổ sung Omega 3 cho bé, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả tối đa.
Tags:
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
Chưa có bài viết nào trong danh mục này...