Mì tôm vốn là món ăn đơn giản, tiện lợi và tiết kiệm nên được sử dụng khá phổ biến. Hiện nay có không ít thông tin cho rằng ăn mì tôm có thể gây béo phì và không tốt cho sức khỏe. Vậy thật sự ăn mì tôm có béo không? Cùng Gymstore tìm hiểu dưới đây nhé!
MÌ TÔM BAO NHIÊU CALO? HÀM LƯỢNG DINH DƯỠNG CỦA MÌ TÔM?
Để trả lời cho câu hỏi ăn mì tôm có béo không, trước hết chúng ta cần tìm hiểu mì tôm gồm những thành phần gì, một gói mì tôm bao nhiêu calo.
Trong một gói mì tôm thường sẽ gồm có các thành phần chính như tinh bột, bột mì, nước, muối ( hoặc có thể thay thế muối bằng kali cacbonat), dầu cọ, siro bắp, hương liệu, chất bảo quản... Ngoài ra, còn có các gói gia vị rau khô, muối nêm và hành lá.
Mì tôm được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1958 tại Nhật Bản. Cho đến nay, quy trình sản xuất mì vẫn được giữ nguyên như trước, không có gì thay đổi. Các nguyên liệu sau khi được trộn vào nhau thì được cán mỏng và cắt sợi nhỏ. Các sợi mì sau đó sẽ được hấp, sấy khô và chiên trong dầu cọ để loại bỏ nước. Cuối cùng mì được làm nguội và đóng gói.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mì tôm được bày bán, nhưng nhìn chung chúng đều có hàm lượng dinh dưỡng khá tương tự. Thông thường trong 75gr mì sẽ có 350 - 400 calo. Lượng calo này chủ yếu đến carbohydrate và chất béo bão hòa.
Ví dụ 1 gói mì tôm Hảo Hảo (75g) cung cấp cho bạn:
• 350 calo
• 51.4g carbohydrate
• 6.9g protein
• 13g chất béo
1 gói mì tôm Omachi (80g) chứa:
• 355 calo
• 46.1g carbohydrate
• 7.1g protein
• 15.8g chất béo
Có thể thấy phần lớn các loại mì tôm có hàm lượng calo cao, ít chất xơ và protein nhưng lại nhiều chất béo, natri, carbohydrate. Đặc biệt, mì tôm thiếu các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể như vitamin, khoáng chất.
ĂN MÌ TÔM CÓ BÉO KHÔNG?
Theo các chuyên gia sức khỏe, mì tôm không phải thủ phạm gây ra béo phì. Thực tế, một người trưởng thành có nhu cầu năng lượng trong ngày từ 2000 - 2500 calo. Trong khi đó 1 gói mì phổ biến (75gr) cung cấp khoảng 40 - 50g chất bột đường, 10 - 13g chất béo, 6 - 7g đạm cùng 350 - 400 calo.
Tuy nhiên, đặc điểm của mì tôm là calo cao, ít chất đạm và chất xơ nên sẽ làm người dùng nhanh đói và có cảm giác muốn ăn thêm những thứ khác sau khi đã ăn mì. Điều này mới chính là nguyên nhân gây tăng cân.
Bên cạnh đó, khi ăn mì tôm chúng ta thường cho thêm nhiều nguyên liệu khác để tăng dinh dưỡng cũng như mùi vị. Chẳng hạn như trứng, thịt, xúc xích... Một quả trứng gà trung bình cung cấp 55 calo, thế là bát mì trứng sẽ khoảng 400 - 450 calo. Nếu thêm khoảng 50g thịt lợn thì là 148 calo, tính ra số calo đã tăng lên khoảng 600. Một bát mì này đã chiếm 1/3 - 1/4 tổng lượng calo để duy trì cân nặng trong 1 ngày.
Nếu bạn đang muốn giảm cân mà buổi sáng ăn mì tôm thì cả ngày hôm đó bạn chỉ được ăn thêm khoảng 700 - 800 calo. Nếu không bạn sẽ bị tăng cân.
Hơn nữa, phần lớn lượng calo trong mì tôm đến từ chất béo và carb nên tăng khả năng tăng cân cũng như tích mỡ. Giá trị dinh dưỡng của sản phẩm này lại không cao. Vì vậy, nó hoàn toàn không phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Chưa kể, thành phần siro bắp có trong hầu hết các loại mì tôm đế giúp nó ngon hơn cũng không tốt cho sức khỏe và cân nặng. Bởi vì đây không phải đường tự nhiên mà là đường nhân tạo có nguồn gốc từ ngô. Vì vậy khi ăn nhiều mì tôm sẽ dẫn đến dư thừa fructose trong cơ thể, làm chúng ta béo lên.
Không những thế, lượng natri dồi dào trong mì tôm cũng là nguyên nhân gây tăng cân và tích mỡ.
Vì vậy, nếu hỏi ăn mì có mập không hoặc đêm khuya ăn mì có béo không thì câu trả lời là có. Nếu bạn đã ăn tối mà đến đêm còn ăn thêm mì nữa thì lượng calo nạp vào sẽ bị dư thừa dẫn đến tăng cân.
ĂN MÌ TÔM CÓ HẠI KHÔNG?
Mì tôm vốn là món ăn tiện lợi, chế biến nhanh và dễ mua nên đây là món ăn yêu thích của nhiều người. Thế nhưng ăn nhiều mì tôm trong thời gian dài thật sự không tốt cho sức khỏe. Cụ thể:
Mì tôm chứa nhiều natri (muối)
Mặc dù natri là một khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, thế nhưng dung nạp quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
Theo khảo sát trên mẫu mì tôm của 3 nhãn hiệu nổi tiếng, lượng natri dao động từ 687 đến 830 miligam. Lượng muối này chiếm từ 28 đến 34% tổng lượng natri cần nạp trong cả một ngày. Chế độ ăn nhiều muối có thể làm hại dạ dày, gây ra bệnh thận, cao huyết áp, bệnh tim, thậm chí đột quỵ.
Mì tôm chứa nhiều bột ngọt
Bột ngọt (mì chính) là một chất phụ gia phổ biến để cải thiện hương vị trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là mì tôm. Về cơ bản, bột ngọt được dụng rộng rãi và đã được FDA chấp thuận tiêu thụ. Tuy nhiên, loại gia vị này vẫn có thể gây ra 1 số tác dụng phụ cho sức khỏe như đau đầu, buồn nôn, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau ngực...
Những phản ứng này sẽ đặc biệt rõ ràng ở những người dị ứng. Thậm chí nó còn có thể gây bỏng rát và đỏ bừng ở ngực. Vì vậy những người bị dị ứng bột ngọt cần hết sức lưu ý.
Mì tôm là thực phẩm nghèo nàn dinh dưỡng
Mì tôm chủ yếu chỉ có chất béo và carbohydrate, nó có ít chất xơ và protein vì vậy ăn mì tôm thường xuyên khiến bạn cảm giác nhanh đói, thèm ăn thêm sau khi ăn mì.
Bên cạnh đó, vì mì không có chất xơ nên nếu bạn không bổ sung thêm rau củ quả thì có thể thiếu chất xơ. Điều này sẽ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như táo bón, túi thừa đại tràng cũng như giảm hệ vi sinh có lợi ở đường ruột.
Ngoài ra trong mì tôm hầu như cũng không có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin (A, B, C, D,…) hay khoáng chất (sắt, kẽm, canxi,…). Điều này sẽ khiến bạn bị thiếu chất nếu duy trì việc ăn mì trong thời gian dài.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Theo một nghiên cứu, chế độ ăn của những người ăn mì tôm thường xuyên tương đương với những người không ăn. Bởi vì ăn mì là chế độ ăn uống không lành mạnh, không cân bằng và không cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Những người liên tục ăn mì đã tăng đáng kể lượng natri và calo nạp vào người trong khi lượng canxi, protein, vitamin C, vitamin A, phốt pho, sắt lại suy giảm. Vì vậy, họ có nguy cơ cao mắc các bệnh về chuyển hóa, bệnh tim và đột quỵ.
Tóm lại là ăn mì tôm thường xuyên là 1 chế độ ăn không lành mạnh và không tốt cho sức khỏe tổng thể.
ĂN MÌ TÔM NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BÉO?
Ăn mì tôm thế nào để không béo? Bạn có thể tham khảo các lưu ý do các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo sau đây:
• Tìm hiểu kỹ về các thành phần có trong mì tôm.
• Tính lượng calo trong bát mì bạn chuẩn bị ăn.
• Tính toán lượng calo cần tiêu thụ mỗi ngày để giảm cân hoặc duy trì cân nặng hiện tại.
• Trong những ngày ăn mì hãy tập thể dục để tăng mức vận động, đốt cháy calo nhiều hơn ngày thường.
• Nên mì với thật nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ và no lâu hơn.
• Hạn chế ăn mì với những thực phần có lượng calo cao như trứng rán, xúc xích.
• Loại bỏ bớt dầu mỡ, chất tạo màu, chất bảo quản bằng việc trần mì trong nước sôi trước khi chế biến.
• Không nên dùng thêm gói dầu trong mì tôm để giảm lượng chất béo.
• Khi ăn mì, chỉ nên dùng 1/3 gói soup. Bởi vì ăn nhiều muối sẽ gây tích nước khiến cơ thể nặng nề, khó chịu.
• Không nên ăn mì tôm vào buổi tối hoặc đêm vì dạ dày không tiêu hóa được, có thể ảnh hưởng đến việc giảm cân.
KẾT LUẬN
Thông tin trên đã giải đáp cho câu hỏi ăn mì tôm có béo không cũng như hướng dẫn cách ăn mì tôm để không mập. Hi vọng rằng nội dung này sẽ có ích với bạn.
Tags:
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
Chưa có bài viết nào trong danh mục này...