Uống nước là hoạt động hết sức quen thuộc mà ai cũng phải thực hiện hàng ngày để duy trì sự sống. Tuy nhiên vẫn có nhiều câu hỏi mà nhiều người còn lăn tăn xung quanh vấn đề uống nước như: Uống nhiều nước có mập không? Có thể tăng cân hay giảm cân nhờ uống nước không? Và uống nước như thế nào cho đúng?
Mời bạn đọc bài viết dưới đây để cùng Gymstore trả lời những câu hỏi trên nhé.
UỐNG NHIỀU NƯỚC CÓ TĂNG CÂN KHÔNG?
Vai trò chính của nước trong cơ thể là vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào, điều chỉnh thân nhiệt, cấp ẩm cho da, bài tiết, thải độc, hỗ trợ hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, cân bằng điện giải cùng rất nhiều chức năng quan trọng khác.
Trên thực tế, việc uống nước nhiều không khiến bạn tăng cân, cũng không khiến bạn giảm cân. Cân nặng của bạn tăng hay giảm phụ thuộc chủ yếu vào lượng calo nạp vào và mất đi hàng ngày. Nếu calo in < calo out, bạn sẽ giảm cân và ngược lại, calo in > calo out sẽ khiến bạn tăng cân.
Nước lọc bình thường không chứa calo nên hiển nhiên việc uống nước sẽ không làm ảnh hưởng đến cân nặng và tỷ lệ mỡ - nạc của cơ thể. Khi bạn nạp một lượng lớn chất lỏng, chắc chắn nó sẽ khiến trọng lượng cơ thể tăng lên đôi chút, nhưng đó chỉ là cân nặng nước. Sau khi nước được hấp thu và thải ra ngoài, trọng lượng cơ thể sẽ về như ban đầu.
TẠI SAO UỐNG NHIỀU NƯỚC BỊ TĂNG CÂN?
Nếu cân nặng của bạn không có dấu hiệu giảm đi sau một khoảng thời gian uống nước, kèm theo đó là tình trạng các bộ phận như chân, mặt, bụng to ra, thì rất có thể bạn đã bị “tích nước trong cơ thể”.
Một số nguyên nhân phổ biến gây tích nước trong cơ thể:
- Ăn quá nhiều muối, khiến lượng natri trong cơ thể tăng cao gây hút nước, giữ nước.
- Đứng hoặc ngồi quá lâu, gây áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh ở bàn chân, khiến chất lỏng dồn xuống phần chi dưới gây tích nước.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt
- Mắc các bệnh lý liên quan đến thận, gan hoặc tim mạch.
- Đi máy bay, việc thay đổi áp suất trong cabin và giữ tư thế ngồi trong thời gian dài có thể khiến cơ thể bị tích nước.
Tích nước trong cơ thể sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng; chân, bàn chân và mắt cá chân sưng phù; mặt to, bọng mắt to và nhiều dấu hiệu phù nề khác.
Ngoài ra, nó còn có thể khiến trọng lượng cơ thể của bạn tăng tới 5kg.
Các cách giảm tích nước trong cơ thể:
- Chăm chỉ vận động, tâp thể dục: Tập thể dục giúp đổ nhiều mồ hôi và làm giảm lượng nước tích tụ trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn đừng quên bổ sung nước trong quá trình tập để không bị kiệt sức.
- Đảm bảo lượng muối vừa đủ trong khẩu phần ăn: Thừa hoặc thiếu muối (natri) đều có thể phá vỡ sự cân bằng nước trong cơ thể dẫn đến tích nước.
- Ăn các thực phẩm giàu magie, kali: Bổ sung 2 khoáng chất này giúp cân bằng lại nồng độ natri cao trong máu, giảm tích nước do thừa natri gây ra.
- Giữ cho tinh thần thoải mái: Tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến các hormone có nhiệm vụ giữ cân bằng nước trong cơ thể.
- Bổ sung caffeine: Cà phê, trà hoặc các đồ uống giàu caffeine kích thích bài tiết nước tiểu, giảm lượng nước trong cơ thể.
TẠI SAO UỐNG NHIỀU NƯỚC CÓ THỂ GIÚP GIẢM CÂN?
Như đã nói, nước tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, trong đó có hệ tiêu hóa. Mặc dù uống nhiều nước không làm bạn tăng cân hay giảm cân, nhưng uống nước đúng cách có thể HỖ TRỢ điều đó, đặc biệt với việc giảm cân.
Uống nhiều nước giúp đốt cháy nhiều calo hơn
Một số nghiên cứu cho thấy việc uống nhiều nước hơn có thể giúp bạn đốt cháy nhiều calo hơn, kể cả khi không vận động. Trong nghiên cứu đó, những người uống 500ml nước lạnh đều được ghi nhận lượng calo tiêu hao nhiều hơn 2 - 3% so với những người không uống nước.
Lý giải cho điều này, người ta cho rằng cơ thể phải tiêu tốn năng lượng để làm ấm nước bằng với nhiệt độ cơ thể, lượng nước lạnh càng nhiều thì lượng calo mất đi càng lớn. Nghiên cứu cũng chỉ ra cơ thể mất khoảng 23 - 40 calo khi bạn uống 500ml nước lạnh.
Uống nhiều nước giúp giảm thèm ăn
Uống nhiều nước giúp làm đầy dạ dày, truyền tín hiệu no lên não và làm giảm cơn đói. Bạn hãy uống 1 cốc nước đầy trước khi ăn 10 - 15 phút để giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Vào các thời điểm khác nhau trong ngày, bạn cũng đừng quên uống nước để giảm cảm giác thèm ăn vặt, đồ ngọt.
Nghiên cứu cho thấy bạn có thể giảm được khoảng 2kg nếu duy trì thói quen uống nước trước bữa ăn liên tục trong vòng 12 tuần.
Tuy nhiên, bạn không được uống nước thay cho ăn cơm để giảm cân. Việc này sẽ khiến cơ thể không có đủ năng lượng để học tập và làm việc, gây hạ huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu.
Uống nhiều nước giúp đào thải độc tố
Cung cấp đủ nước giúp thận làm việc hiệu quả hơn trong việc loại bỏ cặn bã và độc tố ra khỏi cơ thể, trong khi vẫn giữ lại những chất dinh dưỡng và điện giải cần thiết.
Nước cũng giúp trung hòa độc tố trong cơ thể, giúp bạn cảm thấy minh mẫn, sảng khoái hơn. Một tinh thần thoải mái luôn là điều cần thiết để có một quá trình giảm cân hiệu quả.
Uống nhiều nước giúp kích thích trao đổi chất
Khi cơ thể thiếu nước, quá trình chuyển hóa carbohydrate và chất béo thành năng lượng sẽ bị gián đoạn, khiến chúng rất dễ tích tụ lại và gây mỡ thừa dưới da.
CÁCH UỐNG NƯỚC ĐÚNG NHẤT CHO SỨC KHỎE
Mặc dù uống nước là việc quá quen thuộc và đơn giản mà ai cũng làm hàng ngày, nhưng uống nước sao cho đúng là điều mà không phải ai cũng biết. Uống nước đúng cách giúp bạn nhận được nhiều lợi ích sức khỏe hơn, trong đó có việc điều chỉnh cân nặng.
Uống bao nhiêu nước là đủ?
Chắc hẳn bạn vẫn thường nghe mọi người người bảo “Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày”. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Lượng nước tiêu thụ mỗi ngày tùy thuộc vào nhiều yếu tố và cả thể trạng của mỗi người.
Một số người cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi mặc dù chỉ uống 2 lít nước, thì không cần phải cố uống cho đủ lượng nước đó, mà nên giảm xuống còn 1.5 lít để phù hợp với cơ địa của mình.
Những vận động viên, người thường xuyên tập gym, chơi thể thao hoặc lao động chân tay nặng nhọc, gây đổ nhiều mồ hôi thì cần bổ sung nhiều nước hơn người bình thường.
Mỗi ngày, bạn nên uống tối thiếu 1,5 lít và tối đa 7 lít nước. Mặc dù mất nước gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng việc uống quá nhiều nước cũng nguy hiểm không kém.
Tiêu thụ quá nhiều nước gây áp lực lớn cho thận, khiến thận phải làm việc quá sức để đào thải lượng nước dư thừa ra ngoài, có thể gây suy thận.
Uống quá nhiều nước còn làm mất cân bằng điện giải, rối loạn nhịp tim, căng thẳng, mệt mỏi, chuột rút. Nặng hơn còn có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê. Thậm chí người ta đã ghi nhận một số trường hợp tử vong khi tham gia cuộc thi uống nước.
Nên uống nước như thế nào cho đúng?
- Uống 1 ly nước ngay khi thức dậy buổi sáng để thanh lọc cơ thể.
- Uống nước ngay cả khi không khát. Đợi đến lúc khát thì cơ thể bạn đã rất thiếu nước rồi.
- Chia ra uống nước nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tiếng, chỉ cần uống 1 - 2 ngụm, không cần uống quá nhiều.
- Uống từng ngụm nhỏ, không nên uống quá vội có thể gây sặc và khó chịu dạ dày.
- Uống nước ở nhiệt độ phòng (20 - 30 độ C) là tốt nhất. Nếu muốn đốt cháy nhiều calo hơn, bạn có thể uống nước lạnh, nhưng không nên lạnh quá gây ảnh hưởng răng, cổ họng và tuần hoàn máu.
- Không nên uống quá nhiều nước ngay trước bữa ăn, sẽ làm giảm cảm giác ngon miệng. Trừ khi bạn đang muốn giảm cân.
- Một số người cho rằng “Không nên uống nước trong khi ăn bởi nó sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, cản trở quá trình tiêu hóa”. Tuy nhiên, điều này không đúng bởi dạ dày bạn có thể tự điều chỉnh lượng dịch vị theo bữa ăn. Hầu hết mọi người không gặp vấn đề gì khi uống nước trong khi ăn. Tuy nhiên nếu bạn bị trào ngược dạ dày, nó có thể khiến bệnh tình trầm trọng hơn.
- Khoảng thời gian từ 1 - 2 tiếng trước khi đi ngủ, bạn không nên uống nhiều nước để tránh bị đi tiểu trong lúc ngủ.
KẾT LUẬN:
Nói tóm lại, uống nhiều nước không khiến bạn tăng cân. Nếu bị tăng cân thì rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng tích nước cơ thể. Có nhiều cách đơn giản để khắc phục tình trạng này. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Uống nước nhiều có tăng cân không?”
Tags:
Bài viết liên quan
Có thể bạn quan tâm
Chưa có bài viết nào trong danh mục này...